Thị phần chè Việt Nam xuất khẩu sang Nga giảm
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho Nga. Tuy nhiên, cả lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam giảm trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ chiếm trên 10% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch, đạt 9.883 tấn, tương đương 15,99 triệu USD, giá trung bình 1.618,4 USD/tấn, giảm 12,2% về lượng và giảm 6,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Nga nhập khẩu chủ yếu mặt hàng chè đen và chè xanh. Trong đó, chè đen là chủng loại nhập khẩu nhiều nhất đạt 94,3 nghìn tấn, trị giá 263,5 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 8% về trị giá, giá chè đen nhập khẩu bình quân đạt 2.793,6 USD/tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè đen lớn thứ 4 cho Nga, tuy nhiên lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù giá chè đen nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 1.738,4 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè đen từ Việt Nam chiếm 8,5% tổng lượng chè đen Nga nhập khẩu, giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp theo là chủng loại chè xanh Nga nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021, đạt 9,3 nghìn tấn, trị giá đạt 29,7 triệu USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga nhập khẩu chè xanh chủ yếu từ thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng chè xanh nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 83,3% tổng lượng chè xanh Nga nhập khẩu. Tiếp đến là các thị trường Sri Lanka, Việt Nam, Indonesia…
Cơ hội rộng mở, chè Việt Nam vào Nga vẫn gặp khó
Nhìn lại thời gian sau khi Việt Nam - EAEU FTA có hiệu lực mà Nga là thành viên chủ chốt, xuất khẩu nông - thủy sản từ Việt Nam sang Nga đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, một số mặt hàng đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga. Đơn cử như với cà phê, Việt Nam hiện chiếm thị phần lớn nhất với 20,7% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Nga năm 2020. Một số sản phẩm khác như tôm, cá khô, chè, hạt điều… cũng được các doanh nghiệp Việt tích cực xuất khẩu sang Nga với tỷ trọng lớn, thuộc nhóm các nước dẫn đầu. Hàng nông - thủy sản Việt Nam, trong đó có chè có nhiều ưu thế tại Nga, một phần cũng do đặc điểm địa lý nên Nga chủ yếu tiêu dùng các sản phẩm này từ nguồn nhập khẩu.
Mặc dù Việt Nam không còn được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP khi hàng hóa xuất khẩu vào Nga và EAEU, nhưng mức thuế trong FTA Việt Nam - EAEU còn ưu đãi hơn cả GSP, cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Nga rất tốt. Tuy nhiên, thực tế là dù nhu cầu nhập khẩu chè tại thị trường Nga đạt 217,9 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tỷ trọng của chè Việt Nam giảm mạnh. Lý do chủ yếu được nhiều chuyên gia nhận định là vì chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, giá thấp, các sản phẩm chế biến sâu hoặc có thương hiệu còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng trị giá vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Với thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng hàng hóa nhập khẩu, cùng dân số 146 triệu người, GDP năm 2021 khoảng 1.700 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới, Nga được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có chè. Không những thế, kinh tế Nga đang phát triển nhanh, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nga cũng là thị trường nhập khẩu nông sản, thủy sản lớn nhất ở khu vực Đông Âu với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 280 tỷ USD trong năm 2021. Do đó, doanh nghiệp chè Việt Nam không thể bỏ qua mảnh đất màu mỡ này và cần tích cực hơn nữa trong việc xúc tiến hàng hóa của mình sang thị trường Nga.
Doanh nghiệp chè Việt cần chủ động tiếp cận thị trường Nga hơn nữa
Bên cạnh nguyên nhân chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, giá thấp thì vẫn còn những khó khăn khác khiến việc tăng trưởng sản xuất đến thị trường này chưa được như mong đợi. Đầu tiên là do hiểu biết của một số doanh nghiệp Việt Nam về thị trường Nga còn hạn chế.
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của chè Việt Nam chưa cao do chất lượng chưa ổn định, đồng đều, số lượng chưa đáp ứng tốt ở thị trường xuất khẩu, mặt hàng chưa đa dạng, chủ yếu ở dạng sơ chế, nguyên liệu, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao còn khiêm tốn. Chi phí vận tải cao, vận tải bằng hàng không, xe lửa còn hạn chế. Ngoài ra, một số hàng rào kỹ thuật đối với nông thủy sản vào Nga cũng còn phức tạp, do nước này bảo hộ khá cao các sản phẩm tương tự sản xuất ở trong nước. Doanh nghiệp Việt cũng cần đầu tư hơn vào công nghệ chế biến, mẫu mã bao bì, mở rộng mặt hàng với chất lượng, mẫu mã đẹp phù hợp với thị trường xuất khẩu. Đặc biệt,nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào Nga hiện nay vẫn phụ thuộc vào đối tác nhập khẩu nhiều hơn là chủ động.
Như vậy, để có thể tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu chè vào thị trường Nga trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần mạnh mẽ, chủ động hơn. Chủ động trong khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm về thực phẩm tại Nga, chẳng hạn như đối với hàng nông sản, thực phẩm là World Food Moscow (tháng 9 hàng năm), Prodexpo (tháng 2 hàng năm)… để nắm xu hướng tiêu dùng của thị trường, xu hướng tiêu thụ hàng hóa, tìm kiếm khách hàng tiềm năng… của người dân Nga. Các doanh nghiệp XK chè nên tham dự các triển lãm này. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã tìm được khách hàng ổn định sau chỉ 01-02 lần tham dự triển lãm. Các doanh nghiệp cũng cần rời khỏi vị trí nhà cung cấp, sản xuất tiến tới vị trí của người cung cấp, phân phối sản phẩm; kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để hợp tác, được hỗ trợ thâm nhập thị trường Nga.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các đối tác không thể gặp gỡ và giao dịch. Trong bối cảnh này, hoạt động kinh doanh trực tuyến sẽ là giải pháp thiết thực. Thực tế là tại Nga, hình thức này đang tăng lên rất nhiều, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa chiếm lĩnh được nhiều mà dựa 100% vào các nhà cung cấp bản địa. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu thêm lĩnh vực này để phát triển hướng đi mới hiệu quả hơn.
Ngoài sự chủ động, với những doanh nghiệp có tiềm lực và sức chống chịu có hạn sẽ đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước trong hỗ trợ, khuyến khích người nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm thực hiện các bước chuyển đổi mô hình và phương thức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ; tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã có tiềm lực kinh tế đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng châu Âu, mở rộng kênh tiêu thụ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh trao đổi hàng hóa song phương Việt Nam - Liên bang Nga, Chính phủ hai bên cũng đã thống nhất sửa đổi một số qui định theo FTA giữa Việt Nam và EAEU tháo gỡ các rào cản kỹ thuật đối với nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Nga, trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai bên. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nắm bắt thông tin về FTA VN - EAEU để tìm hiểu, tận dụng những ưu đãi nhằm thúc đẩy trao đổi kinh doanh. Thực tế, nhiều mặt hàng nông thủy sản Việt Nam vào Nga đã được cắt giảm thuế quan về 0%, trong khi mặt hàng cùng loại của các nước khác vẫn phải chịu thuế.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.