Gần một nửa trong số 15 quốc gia nhập khẩu chè hàng đầu thế giới đều thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Cụ thể như như Pakistan (589,8 triệu USD), Saudi Arabia (243,6 triệu USD), Iran (236,3 triệu USD), Morocco (202,3 triệu USD), Ai Cập (197,2 USD), UAE (164,9 triệu USD), Iraq (134,7 triệu USD). Người dân khu vực này có nhu cầu sử dụng chè lớn, tạo nên nhiều dư địa cho chè Việt Nam xuất khẩu chè vào các thị trường này.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam sang khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Xét trong tổng kim ngạch nhập khẩu chè của các nước này, khả năng xuất khẩu của Việt Nam chiếm 4,1% tại Iraq, 1,6% tại Saudi Arabia và 1,5% tại UAE.
Trong đó, Ấn Độ vừa là thị trường tiêu thụ lớn vừa là thị trường xuất khẩu chính. Thị trường Ấn Độ nói riêng và thị trường Trung Đông nói chung không phải là thị trường khó tính. Yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường không cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây cũng là khu vực đa sắc tộc, đa văn hóa, để thâm nhập vào thị trường Ấn Độ các doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề yếu tố hồi giáo, nhãn mác sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Văn hóa tiêu dùng ở các thị trường khác nhau, họ không sử dụng chè xanh mà sử dụng chè đen CTC. Chè không uống một mình mà kèm theo đó là đường, sữa,… hay hương vị. Đây là thời điểm để chúng ta phát triển thương hiệu chè. Tham dự triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại,… sẽ hỗ trợ chè Việt Nam có thâm nhập sâu hơn vào khu vực thị trường đầy tiềm năng này.
Afghanistan, Pakistan hiện là 2 thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Đây là thị trường dễ tính hơn các thị trường khác. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chè đen CDC sang thị trường này. Ông Nguyễn Tiên Phong - Đại sứ Việt Nam tại Pakistan và kiêm nhiệm Afpakistan - chia sẻ, người dân nơi đây sử dụng chè hàng ngày. Tỷ trọng chè đen CTC đường dùng nhiều hơn so với chè xanh. Ngoài ra, Pakistan, Afghanistan uống chè xanh nhưng không uống đặc như người Việt Nam và thường uống trà pha sữa. Tuy nhiên, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu chè xanh sang 2 thị trường này. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng chất lượng sản phẩm. Đây cũng là việc mà Hiệp hội chè Việt Nam cần phải cải thiện, nâng tỷ trọng sản xuất chè đen cũng là dư địa để tăng cường xuất khẩu và mở rộng giá trị xuất khẩu.
Để xuất khẩu đến các thị trường này, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phải nhận diện thị hiếu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, có bao bì đóng gói phù hợp với văn hóa tiêu dùng và đặc biệt tập trung vào sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal chứ không chỉ đóng gói chè thô.
Theo các chuyên gia, chè Việt Nam, đặc biệt là chè xanh thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng do mức thu nhập của người Trung Đông ngày càng tăng. Họ muốn sử dụng các sản phẩm giúp đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, chè xanh đang dần dần có những vị trí nhất định trong giỏ hàng hóa tiêu dùng của người Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á. Văn hóa uống chè cũng đang dần thay đổi. Đây cũng là cơ hội cho chè Việt Nam.
Với nỗ lực, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng như các tham tán thương mại, các đại sứ quán,… trong việc cung cấp thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp Việt Nam chè Việt Nam được kỳ vọng sẽ có vị trí ngày càng lớn tại thị trường Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á này.
Bảo Anh (t/h)