Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 2 đã tăng trở lại sau ba tháng giảm liên tiếp với khối lượng đạt 534.607 tấn, trị giá 286,2 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và 53,4% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,7% về lượng và 29% về trị giá. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 893.256 tấn, trị giá 472,4 triệu USD, giảm nhẹ 8,1% về lượng nhưng lại tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ.
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu trong tháng 2 tiếp tục tăng tháng thứ 5 liên tiếp, với mức 3,1% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức bình quân 535 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 7/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt trung bình 529 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo được nhận định sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đang tăng lên.
Vào đầu tháng 3, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng gạo toàn cầu ở mức 516,6 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, tăng 1% so với dự báo tháng 2 nhưng giảm 1,5% so với niên vụ trước. Trong báo cáo tháng này, FAO đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng gạo của Ấn Độ và một số nước. Về tiêu thụ, FAO dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 tăng nhẹ so với tháng trước lên 712,6 triệu tấn, trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm dự kiến cao hơn ở châu Á.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023, bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Những tín hiệu tích cực từ thị trường, giá ở mức cao nên hợp đồng xuất khẩu gạo trong niên vụ sản xuất mới sẽ tốt. Nông dân cũng sẽ có lợi nhuận tốt hơn.
Hoàng Anh