Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng 4/2020 giảm 13,7% về lượng, giảm 6,3% về kim ngạch nhưng tăng 8,6% về giá so với tháng 3/2020 và cũng giảm 26,4% về lượng, giảm 11,5% về kim ngạch và tăng 20,3% về giá so với tháng 4/2019, đạt 510.197 tấn, tương đương 254,37 triệu USD, giá trung bình 498,6 USD/tấn.
Tinh chung 4 tháng đầu năm 2020 cả nước xuất khẩu 2,11 triệu tấn, thu về 990,79 triệu USD, giá trung bình 470,2 USD/tấn, tăng 0,9% về lượng, tăng 10,9% về kim ngạch và tăng 9,9% về giá so với 4 tháng đầu năm 2019. Kết quả xuất khẩu trong tháng 4 giảm mạnh là do nguyên nhân từ việc điều hành chính sách xuất khẩu gạo do lo ngại của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Philippines tiếp tục dẫn đầu về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt 902.061 tấn, tương đương 401,27 triệu USD, giá 444,8 USD/tấn, tăng 10,8% về lượng, tăng 25,2% về kim ngạch, tăng 13,1% về giá so với 4 tháng đầu năm trước; chiếm 42,8% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm 40,5% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đứng thứ 2 thị trường, tăng rất mạnh 130,9% về lượng, tăng 171,9% về kim ngạch, tăng 17,8% về giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 273.529 tấn, tương đương 158,05 triệu USD, giá 577,8 USD/tấn, chiếm gần 13% trong tổng lượng và chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo là thị trường Malaysia đạt 220.172 tấn, tương đương 90,72 triệu USD, giá 411 USD/tấn, chiếm gần 10,5% trong tổng lượng và chiếm 9,2% trong tổng kim ngạch, tăng 5,4% về lượng, tăng 10,8% về kim ngạch, tăng 5,2% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, xét về mức tăng trưởng xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước thì thấy các thị trường chủ đạo vẫn đạt mức tăng cả lượng và kim ngạch. Tuy nhiên, đáng chú ý, một số thị trường mặc dù lượng xuất khẩu ít nhưng so với cùng kỳ lại tăng rất mạnh như: Chile tăng 531% về lượng và tăng 290% về kim ngạch, đạt 448 tấn, tương đương 0,21 triệu USD; Indonesia tăng 113,2% về lượng và tăng 172,4% về kim ngạch, đạt 25.925 tấn, tương đương 14,75 triệu USD; Senegal tăng 103,6% về lượng và tăng 107,8% về kim ngạch, đạt 1.203 tấn, tương đương 0,62 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh ở các thị trường như: Algeria giảm 97,3% về lượng và giảm 95,9% về kim ngạch, đạt 78 tấn, tương đương 0,05 triệu USD; Brunei giảm trên 94% cả về lượng và kim ngạch, đạt 171 tấn, tương đương 0,08 triệu USD; Angola giảm 78,7% về lượng và giảm 72,6% về kim ngạch, đạt 2.102 tấn, tương đương 0,97 triệu USD.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất trong 2 năm qua. Hiện giá xuất khẩu gạo của Việt Nam ngang bằng với Pakistan, cao hơn Ấn Độ và thấp hơn Thái Lan. Với việc Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại từ tháng 5, VFA đề nghị các doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội giá tốt để xuất khẩu.
Diễn biến thị trường cũng như kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm đã cho thấy tín hiệu thị trường khả quan để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu với 6,7 triệu tấn, trị giá trên 3 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở.
Hồng Anh