Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục, thu về gần 49 tỷ USD

Bất chấp dịch COVID-19 "hoành hành" khiến đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm nay vẫn đạt trên 48,6 tỷ USD, vượt hơn 6 tỷ USD so với Chính phủ giao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021 dịch bệnh COVID-19 khiến ngành nông nghiệp chao đảo, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Song, ngành nông nghiệp đã linh hoạt tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, tăng 15% so năm 2020. Giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 đến 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%. Nhóm 10 mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục, thu về gần 49 tỷ USD - Ảnh 1

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,8 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 14,7 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ là 1,1 tỷ USD. Ngành hàng này chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước, đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và nằm trong top 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Hiện, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 8% thị phần thương mại gỗ và lâm sản của thế giới. Bên cạnh đó, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên nhiều đơn hàng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ dịch chuyển sang các thị trường khác. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao thị phần.

Năm 2021 là một năm toàn ngành vượt qua sóng gió và nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng để đạt được nhiều thành công mới. Ngành nông nghiệp đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho lao động xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, tạo ra tiền đề tốt hơn cho giai đoạn phát triển tới đây.

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp; là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Ngành NN&PTNT cả nước phấn đấu trong năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD; tỉ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...Trong đó, lâm sản vẫn là ngành hàng trọng tâm, mục tiêu đạt trên 16,5 tỷ USD, tăng 6% so với 2021 và chiếm 33% mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022.

Bảo An