Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng của năm 2022 ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%; nhập khẩu ước đạt khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%.
Đánh giá về kết quả 8 tháng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết thời gian qua Bộ đã rất nỗ lực trong việc “khai mở“ thị trường xuất khẩu cho nông lâm thủy sản, nhờ vậy nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông).
Đáng chú ý, chuỗi cung ứng thủy sản an toàn tiếp tục duy trì đã đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu; số sản phẩm xuất khẩu gia tăng; doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Do đó, kết quả xuất khẩu tháng 8 và 8 tháng năm 2022 đạt được tốc độ tăng trưởng cao.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.
Trong 8 tháng qua, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ).
Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng năm 2022, khu vực châu Á (chiếm 43,1% thị phần), châu Mỹ (28,9%), châu Âu (11,8%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,6%). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần). Ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%) và thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, song với riêng ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: “Lạm phát toàn cầu bắt đầu phủ bóng lên xuất khẩu thủy sản Việt Nam”.
Cụ thể, sau khi tăng vọt 85% trong tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam bắt đầu có xu hướng chững lại trong tháng 5 (đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ); sang đến tháng 6 chuyển sang tăng trưởng âm, với mức giảm 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 40% so với năm 2021.
Tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ giảm sâu hơn, tới 30,5%. Trong đó, xuất khẩu tôm sú giảm mạnh nhất 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%. Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tháng 7 cũng giảm 4%. Ghẹ cũng nằm trong top 5 loài thủy sản được xuất khẩu nhiều sang thị trường này, nhưng đã giảm 22% trong tháng 7. Mặc dù vậy, tính chung 7 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Với thị trường EU, trong quý 2/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng 31%, nhưng sang tháng 7, mức tăng trưởng đã hạ xuống còn 18%. Một số mặt hàng giảm xuất khẩu là nghêu giảm 1%, mực giảm 17%, chả cá surimi giảm 26%... Tính đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 818 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm, nhưng theo bà Hằng, vẫn có thể lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho cả năm 2022 khi mà trong 7 tháng năm 2022, chúng ta đã xuất khẩu được gần 6,7 tỷ USD.
Hoàng Anh (t/h)