Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng lạc quan trong 5 tháng

Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51%.

Giá trị xuất siêu nông, lâm thủy sản đạt khoảng 3,27 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu được ghi nhận ở các mặt hàng như: Hạt điều, chè, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su. 

Riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,3% so với tháng 4/2021; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD…

Nhìn chung, hầu hết mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay. Riêng cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng lạc quan trong 5 tháng - Ảnh 1

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng mạnh 27,6% so với cùng kỳ năm 2020, thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12% và 18%.

Mặc dù giảm về số lượng (giảm 15,6%), giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 124.000 tấn, trị giá 386 triệu USD, nhờ sự hỗ trợ của việc giá hồ tiêu tăng mạnh trong 5 tháng của năm 2021. Tính bình quân, mức giá xuất khẩu hồ tiêu đạt 3.127 USD/tấn, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Cao su: tăng 22,3%, sắn và sản phẩm sắn: tăng 10,4%, cà phê: tăng 7,3%, chè: tăng 3,2%.

Đối với mặt hàng gạo, dù khối lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bù lại giá xuất khẩu gạo lại tăng tới 11,9% (đạt bình quân 543 USD/tấn). Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,49 tỉ USD (giảm nhẹ 0,8%).

Nhiều thương nhân kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này cho biết, giá lúa gạo có thể sẽ được thiết lập mặt bằng mới trong thời gian tới do nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới tiếp tục tăng cao.

Về thị trường, hiện một trong 4 thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam là Mỹ với 24,6% thị phần, 5 tháng qua, giá trị tại thị trường này tăng 63,6% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là thị trường Trung Quốc với 22,6% thị phần; Nhật Bản chiếm 6,6% thị phần; Hàn Quốc chiếm 4,9% thị phần.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu nông sản, thực phẩm tại nhiều quốc gia sẽ tăng; bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch tại các nước châu Âu chuyển biến tốt, khối thị trường này sẽ hoạt động trở lại và nhu cầu nông sản sẽ tăng cao. Đây là cơ hội cho xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam bứt phá ở những tháng tới.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ chuẩn bị tổ chức các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Bộ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Israel, Nauy, New Zealand, Nga, Hungary, Cu Ba...

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phản hồi các góp ý đối với dự thảo Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật (SPS) mới của Việt Nam đã thông báo với WTO.

Đồng thời, xây dựng đề án Nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do.

Với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Cùng với đó, chủ động phối hợp, hỗ trợ các các địa phương, ngành hàng triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay./.

Hồng Anh (t/h)