Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất.
Theo đó, nhóm nông sản chính 11,37 tỉ USD (tăng 8,8%), lâm sản chính 9,1 tỉ USD (tăng 3%), thủy sản 5,8 tỉ USD (tăng 40,8%), chăn nuôi 176 triệu USD (giảm 15,9%), đầu vào sản xuất 1,42 tỉ USD (tăng 64,8%).
Đáng chú ý, do thị trường xuất khẩu mở rộng có đến 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỉ USD gồm cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Trong đó, nhóm mặt hàng cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỉ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu). Trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỉ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu).
6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tự tin phấn đấu xuất khẩu nông sản đạt 55 tỉ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỉ USD).
Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao, để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Dự kiến nhóm nông sản chính đạt 25 tỉ USD, lâm sản và đồ gỗ 17 tỉ USD, thủy sản 10 tỉ USD và các mặt hàng khác khoảng 3 tỉ USD.
Hoài Anh