Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều tín hiệu đáng mừng.

Năm 2023, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhiều yếu tố, trong đó có việc Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid, giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của thị trường; đồng thời giúp quá trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Nổi bật nhất là nhóm mặt hàng rau quả, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam; trong đó có tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu. Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn của Việt Nam; hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực - Ảnh 1

Dự báo về thị trường Trung Quốc năm 2024, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn nhận định: đối với mặt hàng cao su, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nhờ có trợ lực từ chính sách kích thích kinh tế và các gói hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc.

Do đó, thời gian tới, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cao su để phục vụ sản xuất ô tô trong kế hoạch dài hạn. Nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước bạn cũng đang lên cao. Ðây là cơ hội để các doanh nghiệp cao su Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu tới thị trường này.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là, hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân trong nước là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho nông sản Việt.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, chỉ có tổ chức sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài, không chỉ sang Trung Quốc, mà với nhiều thị trường trên toàn cầu. Vì vậy, để giữ uy tín, thị trường cho nông sản xuất khẩu Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được những yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các Nghị định thư.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.

"Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường này. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường này. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, cập nhật các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc để sản xuất, chế biến sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2024 được kỳ vọng sẽ đạt những kết quả tích cực, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Bảo Anh

Từ khóa:
#h