Xuất khẩu rau quả thu về 5 tỷ USD

Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tính đến ngày 15/11, xuất khẩu rau quả của nước ta chính thức vượt qua con số 5 tỷ USD. Theo đó, trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, rau quả là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất và kim ngạch chỉ xếp sau nhóm hàng gỗ và thuỷ sản. Với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 5,2 tỷ USD - nhóm rau quả lần đầu dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn...

Xuất khẩu rau quả thu về 5 tỷ USD  - Ảnh 1

Hiện Trung Quốc là quốc gia nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 10 tháng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 66% thị phần. Tiếp theo là xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 212 triệu USD, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc đạt 187 triệu USD, tăng 25%; Nhật Bản là 151 triệu USD, tăng 7%...

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của ngành rau quả, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này. Đến nay, xuất khẩu sầu riêng đã vượt qua con số 2 tỷ USD. Các loại trái cây khác như mít, dưa hấu, bưởi, nhãn đều có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả bứt phá năm nay nhờ Trung Quốc và nhiều quốc gia tăng mua hàng Việt. Năm 2022, nước này ký hàng loạt nghị định thư với Việt Nam đã tạo bước đệm cho hoạt động xuất khẩu rau củ quả đạt nhiều thuận lợi.

Năm nay, Việt Nam có thêm nhiều mặt hàng rau quả xuất khẩu mới và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, sầu riêng được cấp thêm nhiều mã vùng trồng giúp hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp. Sản lượng và chất lượng sầu riêng nói riêng và rau quả năm nay nói chung có nhiều cải thiện đã giúp đầu ra ổn định.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics như đường xá, kho hàng, bến bãi giao nhận được sửa sang, xây mới đã giúp hoạt động xuất khẩu giảm chi phí tạo giá thành cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

Bên cạnh đó, trình độ sản xuất, trồng trọt, chế biến của người dân, doanh nghiệp được nâng cao; người dân, doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chế biến, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap

Theo ông Nguyên, Trung Quốc đang xem xét cho dừa tươi Việt được xuất khẩu chính ngạch. Nếu được thông qua trong thời gian tới, đây cũng là loạt trái cây tham gia vào câu lạc bộ tỷ USD. Mới đây, Mỹ cũng vừa cho Việt Nam xuất khẩu trở lại dừa tươi (loại gọt vỏ xanh và một phần xơ trắng).

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các mặt hàng rau quả Việt ngày càng rộng cửa xuất khẩu. Nhà chức trách đang đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Với kết quả đạt được đến nay, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo kim ngạch XK rau quả năm nay 2023 đạt trên 5,5 tỷ USD.

Sở dĩ ông Nguyên đưa ra con số khiêm tốn này so với đà tăng mạnh mẽ từ đầu năm, vì từ nay đến cuối năm, lượng sầu riêng được thu hoạch còn ít trong khi đây là nhóm hàng có kim ngạch XK lớn nhất.

Hiện sầu riêng chỉ có miền Tây Nam Bộ còn hàng nhưng do trái vụ nên sản lượng khá thấp. Dù thế nào, thì con số dự báo 5,5 tỷ USD đã là con số vượt ngoài mong đợi của ngành rau quả.