Ngành hàng tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra thế giới trong suốt hai thập kỷ qua. Sản phẩm tôm xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trưởng lớn: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 cũng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021; đồng thời, ngành hàng tôm góp phần giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt mức 1,546 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022, giảm 31,9% và bằng 35,9% so với kế hoạch 2023 (4,3 tỷ USD). Riêng trong tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 328,9 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Top các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận mức sụt giảm, gồm: Hoa Kỳ (đạt 298 triệu USD, giảm 38,2%; Trung Quốc và Hồng Kông 280 triệu USD, giảm 15,7%; Nhật Bản 236 triệu USD, giảm 29,1%; EU 192 triệu USD, giảm 48,9%; Hàn Quốc 166 triệu USD, giảm 28,1%
Sau nửa đầu năm đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại.
Một số doanh nghiệp có đơn đặt hàng tăng 20 - 30% so với quý trước. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu đến từ các nhà nhập khẩu quan trọng từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố tích cực tác động đến xuất khẩu tôm: Một là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; Hai là nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm; Ba là nguồn cung ổn định khi các nước như Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.
"Thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc đã gia tăng nhập khẩu từ tháng 5, tháng 6. Hy vọng thời gian tới xu hướng đó vẫn tiếp tục. Quan trọng hơn, giá cả ổn định giúp doanh số xuất khẩu tốt hơn", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết.
Ngoài kỳ vọng vào sức tiêu thụ từ Mỹ, sự ổn định của thị trường EU và dư địa gia tăng thị phần ở thị trường Trung Quốc, VASEP đánh giá, ngành tôm còn thêm trợ lực khi gói tín dụng 15.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thu mua tôm với giá cao hơn cho bà con yên tâm thả nuôi vụ mới.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, VASEP dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, về bằng mức trước dịch.
Hương Trà