Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mức tăng đột biến 64% trong tháng 1/2024. Nhiều mặt hàng chính có mức tăng trưởng dương, trong đó tôm chân trắng tăng 18%, cá ngừ tăng 21%, cá tra tăng 6,5%, tôm sú tăng 9%.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu tôm hùm đạt gần 30 triệu USD, tăng gấp 18 lần so với mức 1,6 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm hùm xanh (tôm hùm đá) chiếm hơn 90% với 27,6 triệu USD, tăng gấp 80 lần; tiếp đến là tôm hùm bông đạt 2,15 triệu USD, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, với giá trị gần 29 triệu USD, cao gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 10/2023, Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông của Việt Nam do quy định liên quan đến Luật Bảo vệ động vật hoang dã của nước này. Để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2; đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép...
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trên cho doanh nghiệp, ngày 20/1/2024, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ sang làm việc với chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về hợp tác giao thương phát triển nông nghiệp. Trong các nội dung làm việc liên quan, hai bên đã thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai nước. Trong khi chờ đợi ký Nghị định thư, Trung Quốc xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang nước này.
Hiện nay, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang có chiều hướng thuận lợi nhưng về lâu dài, cần phải hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua đến xuất khẩu, gắn với truy xuất nguồn gốc minh bạch.
Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này.
Khánh Hòa là địa phương nuôi và xuất khẩu tôm hùm lớn nhất cả nước. Hiện nay, địa phương này đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu tôm hùm chính ngạch. Tuy nhiên, so với quy mô của nghề nuôi tôm hùm, số lượng các chuỗi liên kết còn rất hạn chế. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh này đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng chuỗi liên kết một cách hiệu quả.
Để tăng số lượng tôm hùm xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi tôm hùm chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tuân thủ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu tôm hùm xanh và tôm hùm bông sang Thái Lan, Malaysia và Singapore, xuất khẩu tôm hùm đất sang Mỹ.