Để nâng cao giá trị cây chè, 5 năm qua, huyện đã trồng mới 282,29 ha chè Shan; trồng mới, trồng cải tạo 509,5ha chè già cỗi, chè trung du bằng các giống chè cho năng suất và chất lượng. Nhờ chuyển đổi cơ cấu giống chè, tập trung đầu tư, thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà năng suất chè tăng từ 90,98 tạ/ha năm 2016 lên 120 tạ/ha ở năm 2020. Sản lượng chè búp tươi tăng từ 45.038 tấn lên 46.000 tấn.Những năm qua, ngành sản xuất và chế biến chè huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho hàng nghìn nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển.
Huyện Văn Chấn phấn đấu đến năm 2025 trồng mới 550 ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đạt 5.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 50.000 tấn; sản xuất trên 18.000 tấn chè thành phẩm; gần 1.900 ha chứng nhận theo các tiêu chuẩn chè sạch, chè hữu cơ trong nước và quốc tế; có trên 10 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; có trên 20 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè theo hình thức liên kết chuỗi giá trị.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh Yên Bái về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025…
Trong đó sẽ tập trung hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè; tổ chức sắp xếp cơ sở chế biến và sản xuất chè; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Xây dựng, mở rộng vùng sản xuất chè hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định trong phát triển sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.
Huyện cũng tranh thủ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các nguồn vốn vay, chương trình khuyến công địa phương, hỗ trợ đầu tư, mua sắm dây chuyền máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và chế biến chè...
Sơn Thủy