Yên Bái: Tăng cường sản xuất, kinh doanh chè hướng tới thị trường xuất khẩu

Tỉnh Yên Bái hiện có trên 7.000 ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 6.989 ha, năng suất đạt 9,82 tấn/ha. Yên Bái xác định chè là một trong 4 cây trồng chủ lực của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân thu hái chè.
Nông dân thu hái chè.

Là tỉnh có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển; có ngành sản xuất chè từ lâu và hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, Yên Bái xác định cây chè là một trong 4 cây trồng chủ lực của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho ngành sản xuất chè phát triển.

Theo số liệu Cục Thống kê Yên Bái, năm 2021, diện tích chè trên địa bàn tỉnh 7.436 ha (giảm 2.220 ha so với năm 2016). Trong đó, diện tích chè cho sản phẩm là 6.989 ha, năng suất đạt 98,22 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 68.645 tấn; giá trị sản phẩm chè búp tươi ước đạt trên 300 tỷ đồng.

Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm, năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 52/115 cơ sở chế biến chè hoạt động; tổng sản lượng chè khô chế biến từ nguyên liệu sản xuất của tỉnh đạt khoảng 15.500 tấn; tổng giá trị sản xuất qua chế biến đạt khoảng 600 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 16 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP. 

Một số địa phương có năng suất chè cao hơn năng suất chè bình quân của tỉnh như: thị xã Nghĩa Lộ 172,85 tạ/ha, Văn Chấn 105,17 tạ/ha, Yên Bình 98,96 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi của tỉnh thu hái đạt 68.645 tấn; giá trị sản phẩm chè búp tươi ước đạt trên 300 tỷ đồng chè trung du giá trung bình 2.800 - 3.000 đồng/kg búp tươi; chè lai LDP1, LDP2 đạt 3.000 - 4.000 đồng/kg; chè Shan cành mật độ cao giá 6.500 - 8.000 đồng/kg; chè nhập nội giá trung bình 15.000 - 18.000 đồng/kg; chè Shan cổ thụ giá trung bình 22.000 - 25.000 đồng/kg hoặc chè Shan búp chất lượng cao 1 tôm + 1 lá có giá tới 60.000 đồng/kg.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất chè, ngành chè đề ra một số biện pháp chủ yếu, trong đó tập trung xây dựng và quản lý vùng nguyên liệu chè; hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập của người làm chè; rà soát đánh giá năng lực sản xuất của các đơn vị chế biến từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả; đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất…

Yên Bái là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước.
Yên Bái là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước.

Mục tiêu trong năm những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển chè vùng thấp, chính sách hỗ trợ phát triển chè vùng cao được quy định tại Nghị quyết  số 69/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ổn định diện tích chè khoảng 7.400 ha, phấn đấu năng suất đạt 98 - 100 tạ/ha, sản lượng đạt 68.000 tấn.

Để đạt mục tiêu, các huyện, thị xã, thành phố cần điều tra đánh giá lại diện tích chè hiện có; từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với quy hoạch sản xuất, chế biến chè trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng mới, trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống tiến bộ, kỹ thuật có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tại các địa phương và liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn.

Khách hàng tìm hiểu và mua các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP tại thành phố Yên Bái.
Khách hàng tìm hiểu và mua các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP tại thành phố Yên Bái.

Việc tổ chức trồng cải tạo, chuyển đổi giống, cần được quy hoạch thành các vùng tập trung. Ưu tiên sử dụng các giống chè để chế biến chè xanh chất lượng cao, phù hợp với địa phương như: chè Shan, Bát Tiên, Kim Tuyên, LDP1, LDP2 hoặc các giống tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tổ chức hướng dẫn, tập huấn nâng cao kiến thức cho người trồng chè áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi. Trong đó, cần tập trung theo 3 loại hình sản xuất với nhóm sản phẩm cụ thể: các kỹ thuật và mức đầu tư thâm canh có áp dụng cơ giới hóa đối với các vùng sản xuất nguyên liệu; các kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng đối với sản xuất chè xanh nội tiêu theo quy mô nông hộ; các kỹ thuật, đầu tư thâm canh đối với diện tích chè Shan vùng cao.

Thực hiện các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả trong thâm canh như: đốn, hái đúng thời vụ, tủ gốc giữ ẩm, trồng cây che bóng và tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh cho cây chè; tăng cường khuyến khích các hộ trồng chè liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các chứng nhận nông nghiệp khác và ký hợp đồng liên kết với các cơ sở chế biến.

Các doanh nghiệp chế biến tiếp tục cải tạo, nâng cấp, đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-07: 2009/BNNPTNT) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm phải đáp ứng các điều kiện về đăng ký hợp chuẩn hợp quy, có bao bì nhãn mác phù hợp, có tài liệu để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phi Long/VPTB