Yên Sơn – Hương trà vươn mình từ đất trung du

Từ những triền đồi trung du Phú Thọ, hương trà Yên Sơn không chỉ lưu giữ tinh hoa đất trời mà còn thắp lên khát vọng đổi đời cho người dân nơi đây, từng bước đưa vùng đất này trở thành quê hương đáng sống giữa đại ngàn.

Trên dải đất trung du đất Tổ, giữa những triền đồi uốn lượn dưới chân núi Tu Tinh, xã Yên Sơn (huyện Thanh Sơn cũ, nay thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ) hiện lên như một bức tranh tươi xanh của chè và sức sống. Ít ai biết rằng, nơi từng in dấu chân của biết bao thế hệ người làm chè với cuộc sống khó khăn hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới màu xanh của những nương chè bạt ngàn, màu ấm của những ngôi nhà khang trang và màu hy vọng của một vùng quê đang chuyển mình mạnh mẽ từ chính bàn tay, khối óc và trái tim gắn bó với cây chè.

Hiện toàn vùng Yên Sơn có khoảng trên 300ha chè.
Hiện toàn vùng Yên Sơn có khoảng trên 300ha chè.

Vùng đất “ngậm nắng, uống sương” làm nên hương vị riêng

Không phải ngẫu nhiên mà Yên Sơn từ lâu được mệnh danh là một trong những cái nôi của ngành chè Việt Nam. Từ thế kỷ trước, cây chè đã bén rễ vào lòng đất trung du nơi đây, lớn lên cùng nhịp sống của người dân và gắn bó như một phần máu thịt. Địa hình bán sơn địa, đất feralit đỏ vàng giàu dinh dưỡng trên đá phiến sét, cùng với khí hậu mát mẻ, sương sớm bao phủ, tất cả đã tạo điều kiện tối ưu để cây chè sinh trưởng và phát triển, tích tụ trong từng búp chè non một hương vị đặc biệt không thể nhầm lẫn.

Những búp chè mỡ màng, tươi rói được hái bằng tay vào sáng sớm chính là thứ tinh túy của đất trời Yên Sơn. Khi pha, trà cho nước màu xanh vàng trong vắt, thơm dịu như làn sương sớm, vị chát nhẹ đầu lưỡi rồi nhanh chóng chuyển thành hậu ngọt sâu lan tỏa nơi cuống họng. Chính hương vị thanh sạch ấy đã làm nên tên tuổi của chè Yên Sơn thứ đồ uống không chỉ để giải khát mà còn là cầu nối văn hóa, là hiện thân của một vùng đất biết gìn giữ truyền thống và nỗ lực không ngừng để hội nhập.

Những búp chè non mơn mởn đã tạo nên hương vị đặc trưng cũng như danh tiếng của chè Yên Sơn từ nhiều năm qua.
Những búp chè non mơn mởn đã tạo nên hương vị đặc trưng cũng như danh tiếng của chè Yên Sơn từ nhiều năm qua.

Từ truyền thống đến tư duy sản xuất sạch

Trước kia, nghề trồng và chế biến chè ở Yên Sơn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ thương lái thu mua nguyên liệu. Người dân làm theo kinh nghiệm, ít áp dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ vào sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển nông thôn, cùng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người trồng chè Yên Sơn đã chuyển mình mạnh mẽ.

Chị Nguyễn Thị Anh, một nông dân ở xóm Mố chia sẻ: “Trước mình làm rải rác, nhỏ lẻ, bón phân hóa học nhiều. Nay được tập huấn, mình chuyển sang dùng chế phẩm sinh học, chè sạch hơn mà sức khỏe cũng tốt hơn. Giờ làm chè không chỉ vì bán, mà còn vì con cháu mình nữa”.

Không dừng lại ở việc sản xuất an toàn, nhiều hộ dân đã biết đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, phủ gốc giữ ẩm, canh tác theo mô hình hữu cơ. Một số gia đình mạnh dạn thử nghiệm giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, kết hợp giữa chè bản địa và chè lai tạo. Cùng với đó là sự hình thành của các cơ sở chế biến hiện đại, áp dụng dây chuyền sao sấy tầng sôi, đóng gói hút chân không, bao bì tái chế... giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính hơn.

Hình thành chuỗi giá trị bền vững

Hiện toàn vùng Yên Sơn có khoảng trên 300ha chè, trong đó Công ty Chè Yên Sơn trồng liên kết khoảng 218ha, phần còn lại do các hộ gia đình tự đầu tư. Trên địa bàn cũng đã hình thành hơn chục cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh. Điều này không chỉ giúp chè Yên Sơn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Theo đồng chí Đinh Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cây chè hiện là cây trồng chủ lực và mũi nhọn kinh tế của địa phương. Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, từ giống, chăm sóc, thu hái đến chế biến và tiêu thụ, giúp đảm bảo chất lượng đồng đều, giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Từ ly trà đến cuộc sống ấm no

Không chỉ mang hương vị đặc sản, cây chè còn mang lại sự đổi đời cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Những đồi chè từng là biểu tượng của sự lam lũ, vất vả, giờ đây là minh chứng sống động cho sự trù phú. Rà soát tại các xóm trồng chè như Mố, Trung Thành, Đồng Lư, không còn hộ nghèo hay cận nghèo. Nhiều gia đình thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ chè.

Ông Nguyễn Văn Thứ, với 5ha chè ở xóm Mố, cho biết mỗi vụ gia đình ông thu khoảng 6 tấn chè búp tươi. Với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, thu nhập mỗi vụ lên tới vài chục triệu đồng, chưa kể phần chế biến khô bán cho khách quen. Hay bà Nguyễn Thị Hợp, chủ 2ha chè quanh năm gắn bó với nương chè cũng khẳng định: “Nhà tôi chẳng cần nghề gì khác, chỉ làm chè thôi cũng đủ ăn, đủ mặc, đủ lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Những ngôi nhà khang trang mọc lên giữa đồi chè xanh mướt, những chiếc máy sao chè chạy đều tay suốt đêm, những chuyến hàng được đưa đi khắp các tỉnh miền Bắc... tất cả như một bản hòa ca của vùng quê đang thay đổi từng ngày từ chính cây chè.

Trong ánh nắng sớm, khi những tải chè đầy đặn được gùi từ đồi về xưởng sao sấy, người ta không chỉ thấy mùi thơm của lá chè, mà còn ngửi được cả mùi của hy vọng, mùi của tương lai. Yên Sơn hôm nay là nơi không chỉ trồng chè mà còn trồng khát vọng. Một vùng đất biết trân trọng di sản, ứng dụng khoa học, tôn trọng môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng đó chính là tầm nhìn xa cho một nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, để chè Yên Sơn tiếp tục vươn xa, vẫn còn đó những trăn trở: cần phát triển thương hiệu mạnh mẽ hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường đầu tư công nghệ chế biến sâu, và quan trọng nhất là giữ vững được chất lượng trong từng búp chè.

Yên Sơn mảnh đất của trà và sự sống, đang viết tiếp hành trình đi lên không bằng con đường tắt, mà bằng những bước chân vững chắc trên nền đất trung du. Những người làm chè ở đây từ bà cụ tóc bạc hái chè tỉ mẩn, đến những người trẻ áp dụng nông nghiệp số đang cùng nhau tạo nên một vùng quê đáng sống. Và trên bàn trà sóng sánh, hương chè Yên Sơn như kể câu chuyện về đất, về người, về một tương lai xanh từ chính màu xanh dịu mát của những đồi chè bốn mùa bát ngát.