Trong báo cáo gần đây, FiinGroup - công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính nhận định, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục khả quan trong quý III/2024 nhờ nền so sánh là mức đáy trong 6 quý trở lại đây được thiết lập trong quý III/2023.
Theo quan sát của FiinGroup, với cầu tiêu dùng dự kiến sẽ hồi phục mạnh hơn và biên lợi nhuận duy trì mở rộng (nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào), triển vọng tăng trưởng trong quý III và quý IV/2024 khá tích cực với hầu hết các ngành. Yếu tố lợi nhuận quý III tiếp tục hồi phục mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 3 có xu hướng hồi phục chủ đạo, sau giai đoạn lình xình điều chỉnh của quý 2.
Ba động lực chính đến từ diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá, xu hướng tăng mạnh của TTCK toàn cầu, cùng KQKD khả quan ghi nhận trong mùa báo cáo bán niên. Tính cho cả quý 3, chỉ số VN-Index tăng 3,4% về điểm số, và giảm 21% về tổng giá trị giao dịch.
Đối với triển vọng trong quý cuối năm 2024, nhóm phân tích cho rằng sẽ có 5 yếu tố chính định hình xu hướng TTCK Việt Nam, bao gồm:
Thứ nhất, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục xu hướng hồi phục.
KBSV hạ nhẹ dự báo tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX xuống 13% (từ mức 14%) sau khi đánh giá thêm số liệu của mùa báo cáo bán niên với bức tranh sáng tối đan xen. Đây vẫn được đánh giá là mức tăng trưởng cao và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng thị trường chung trong quý 4.
Thứ hai, FED hạ lãi suất, động lực thúc đẩy TTCK toàn cầu tăng trưởng.
Chu kỳ hạ lãi suất của FED đã được khởi động sau lần hạ 50bps vào kỳ họp tháng 9 vừa qua. Theo nhóm phân tích KBSV, các tác động tích cực đến TTCK Việt Nam có thể thấy rõ ở 3 khía cạnh là áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp NHNN quay trở lại chính sách duy trì lãi suất thấp.
Đồng thời, xu hướng hạ lãi suất đồng loạt ở nhiều NHTW giúp tạo điều kiện cho một lượng vốn rẻ tìm đến các thị trường mới nổi, bao gồm TTCK Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ của Mỹ kỳ vọng được thúc đẩy, qua đó giúp lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc, từ đó tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, áp lực tỷ giá được giải toả, mặt bằng lãi suất kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Với diễn biến điều chỉnh mạnh của chỉ số DXY trước động thái hạ lãi suất của FED, cùng sự cân bằng trong cung cầu ngoại tệ ở hệ thống ngân hàng, tỷ giá trong nước đã giảm mạnh và cách xa ngưỡng bán can thiệp của NHNN.
Theo đó, NHNN được dự báo sẽ dừng can thiệp vào thị trường theo hướng bảo vệ đồng nội tệ như đã làm trong quý 2, đầu quý 3 với các biện pháp như bán dự trữ ngoại hối, hút tín phiếu, nâng lãi suất OMO. Mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế từ đó được kỳ vọng sẽ ổn định ở vùng thấp (dù vẫn có thể có sự phân hoá, tăng nhẹ ở 1 số ngân hàng vừa và nhỏ do nhu cầu tín dụng cuối năm).
Thứ bốn, kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ là ẩn số đáng chú ý.
Cuộc bầu cử Mỹ giữa 2 ứng viên ông Donald Trump và bà Kalama Harris đang diễn ra gay cấn với xác suất trúng cử đang là 50:50.
KBSV nhận định, kịch bản ông Trump tái đắc cử có thể mang lại nhiều rủi ro với TTCK Việt Nam do các yếu tố như chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể quay trở lại mạnh mẽ và Việt Nam có thể lọt vào tầm ngắm do thặng dư thương mại với Mỹ ở mức cao.
Các chính sách tài khoá dưới thời ông Trump có thể khiến lạm phát Mỹ khó kiểm soát, từ đó cản trở việc hạ lãi suất của FED; và môi trường chính trị bất ổn dưới thời ông Trump cùng các chính sách khó phán đoán khiến khẩu vị chấp nhận rủi ro xuống mức thấp.
Thứ năm, suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc.
Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc đã ngày càng trở nên rõ ràng trong vài quý gần đây. Các chính sách hỗ trợ đã được đưa ra và kỳ vọng có thể mang lại các tác động tích cực trong ngắn hạn.
Dù vậy, các chính sách này được đánh giá là khó đảo chiều xu hướng sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong trung hạn do các vấn đề của nước này thuộc về yếu tố mang tính cấu trúc như già hoá dân số, dư cung bất động sản vùng ven, nhu cầu tiêu thụ bên ngoài sụt giảm, và nợ doanh nghiệp- chính quyền địa phương ở mức cao.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, những yếu tố tác động tích cực đến thị trường thời gian tới là việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC.
Trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, từ 2/11 tới, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền. Trường hợp không thanh toán đủ tiền mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh. Quy định này được cho là bước tiến rất quan trọng để gỡ "nút thắt" đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect) chia sẻ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm với kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay khi chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và những tiến triển mới trong quá trình nâng hạng thị trường.
Theo báo cáo chiến lược tháng 10 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 dự kiến sẽ sôi động trong hai tuần cuối tháng 10, được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt đà tăng trưởng, bên cạnh sự phục hồi của ngành sản xuất và bán lẻ, giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của VN-Index xấp xỉ 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây sẽ là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán bứt phá lên điểm số mới khi định giá vẫn ở ngưỡng giao dịch trung bình, các chuyên gia của Công ty chứng khoán VDSC nhận định.
Tiến Hoàng