Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỉ USD, tăng gần 2,9 lần. Trong đó, đóng góp vào kết quả này có: nông sản 5,18 tỉ USD (tăng 55,7%); lâm sản 2,9 tỉ USD (tăng 59,7%); thủy sản 1,37 tỉ USD (tăng 28,9%); chăn nuôi 78 triệu USD (tăng 15,1%).
Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 1 tỉ USD.
Đối với mặt hàng cà phê, thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy nửa đầu tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15.2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 26,6%, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh 79,7%. Hiện nay giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng gần 43% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết tháng 2 trùng với dịp Tết Nguyên đán nên nhiều đơn hàng chậm lại. Tuy nhiên, đà xuất khẩu tăng trở lại trong nửa cuối tháng 2, đạt thêm 200 - 300 triệu USD. Vì thế, mặt hàng này có thể thu về hơn 1 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, sau nhiều năm rơi khỏi top 5 mặt hàng xuất khẩu kim ngạch cao nhất, đến nay cà phê đã quay trở lại và đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ ba trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thủy sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của cà phê cũng chỉ thấp hơn mặt hàng thủy sản 22 triệu USD.
Mặt hàng đồ gỗ và lâm sản sau một năm thất vọng vì không đạt chỉ tiêu (chỉ đạt 16 tỉ USD cả năm 2023 so với kế hoạch 17,5 tỉ USD) đã nhanh chóng vụt sáng và lấy lại phong độ. Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã đạt 1,5 tỉ USD và bước sang tháng 2 tiếp tục duy trì con số ổn định, tính chung 2 tháng đầu năm đã đạt xấp xỉ 3 tỉ USD. Với khởi đầu ấn tượng này, ngành đồ gỗ kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong cả năm để lập nên kỳ tích mới.
Một ngành hàng khác tiếp tục thăng hoa mạnh mẽ, phát triển liên tục 2 năm nay là trái cây, rau quả. Trong 2 tháng qua, xuất khẩu rau quả tăng trưởng tốt, dù tháng 2 rơi vào thời điểm nghỉ tết. Tính chung 2 tháng đầu năm, ngành rau quả đã mang về gần 800 triệu USD, tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,5% (tăng 77,3%); Trung Quốc chiếm 21% (tăng 47,9%) và Nhật Bản chiếm 7,2% (tăng 29,2%).
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, các hoạt động xuất khẩu gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản, đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, đảm bảo sự hồi phục này là bền vững và không chỉ là một chu kỳ tạm thời đang là vấn đề đặt ra.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chú trọng khai thác, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các hiệp định CPTPP, EVFTA. Hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.