Trong vị ngọt ngào của bánh có vị đắng chát của trà. Trong sự thanh khiết của trà có sự cầu kỳ của chiếc bánh trung thu. Sự viên mãn mà người dân ta cầu mong trong dịp lễ trung thu chính là sự tổng hòa của vị ngọt và trái đắng trong cuộc đời.
Ngày nay, dù có rất nhiều loại thức uống nhưng trà vẫn được ưu ái kết hợp cùng bánh trung thu mỗi dịp trăng rằm. Ăn một miếng bánh, nhấp một ngụm trà, người ta như tìm được giây phút thảnh thơi giữa cuộc đời lắm bộn bề. Thưởng trà trong dịp lễ trung thu như tăng thêm sự đoàn viên, sum vầy. Chính vì thế, nó trở thành một “nghi thức” không thể thiếu vào dịp lễ này.
Chọn trà phù hợp với các dịp lễ và hợp sở thích là việc rất quan trọng. Trong ngày lễ Trung thu lại càng quan trọng. Đặc biệt là đối với những người thích thưởng trà. Ngoài chọn chiếc bánh đặc biệt, bạn cần phải xem xét ăn bánh trung thu uống trà gì thì thích hợp nhất. Dưới đây là một số loại trà bạn có thể tham khảo để có một cái tết trọn vị.
Trà xanh Thái Nguyên
Trà xanh Thái Nguyên và bánh trung thu có một mối liên kết dịu dàng, vô tận. Thưởng thức miếng bánh ngọt và nâng niu chén trà xanh ấm nồng trên tay mới thấy cảm xúc thật khó tả. Từng lá trà được chế biến cẩn thận bởi những nghệ nhân kinh nghiệm. Qua đó, thấy được tấm lòng yêu mến và trân trọng trong từng sản phẩm trà Thái Nguyên dành cho thực khách.
Vị “tiền chát ngọt hậu” của trà tạo nên một cảm giác gần gũi, ấm cúng. Không chỉ để nếm trải hương vị, trà Thái Nguyên còn là một món quà ý nghĩa khi biếu tặng mọi người. Bởi nó tượng trưng cho mối thâm tình sâu sắc, bền vững của các mối quan hệ.
Trà hoa hồng
Trà hoa hồng được làm từ cánh và nụ hoa hồng. Sánh đôi cùng với nó là loại bánh trung thu rượu vang có màu hồng duyên dáng. Vỏ bánh dẻo, mịn, thơm nhẹ mùi rượu vang hấp dẫn. Nhân bánh được làm từ hạt sen trộn chung với nước hoa hồng. Nhờ đó, tạo nên cặp đôi xinh đẹp, duyên dáng là trà hoa hồng kết hợp với bánh trung thu rượu vang.
Trà Thiết Quan Âm
Thiết Quan Âm được xem là danh trà bậc nhất Trung Quốc. Vào thời nhà Thanh, năm vua Càn Long, ông Nguy Ấm là một người rất yêu trà. Đồng thời, ông cũng là một phật tử, tha thiết muốn tìm một loại trà ngon dâng lên đức Phật. Nhờ một đêm mơ thấy mẹ Quan Âm dẫn đường, ông tìm được loại trà quý. Đó chính là trà Thiết Quan Âm. Từ đó, đây được xem là loại trà cực phẩm nổi danh thiên hạ của trà ô long.
Sợi trà Thiết Quan Âm rất đặc biệt. Cánh trà cong xoắn, đầu tròn vo như trà ô long nhưng đuôi lại xoắn hình ốc. Trà Thiết Quan Âm có màu xanh lục trạch sa. Nước trà được ví von “7 nước vị chưa nhạt”, màu vàng ánh kim cực đẹp. Hương trà lại được ví như hương hoa cỏ mùa xuân. Vị trà ngọt dịu, phảng chút nồng đậm. Chính hương vị đó kết hợp với bánh trung thu lại càng trở thành cực phẩm.
Trà hoa cúc
Sử dụng trà hoa cúc hàng ngày vì những tác dụng rất tốt của nó cho sức khỏe như giải độc, làm đẹp, ngăn tế bào ung thư. Cùng với màu vàng của hoa cúc là bánh Trung thu sầu riêng có mùi thơm và béo ngậy của nhân bánh. Nếu bạn là người ưa thích màu vàng sặc sỡ và vị béo thơm mùi sầu riêng thì không nên bỏ qua thức uống này.
Trà đen
Nguyên liệu chế biến trà đen cũng giống như trà xanh, nhưng được ủ men oxy hóa. Khi đó, các enzym trong trà bị tối màu đi. Vị trà khi pha mạnh hơn trà xanh. Trà đen thường đi kèm với bánh trung thu làm từ tỏi đen độc đáo. Bánh có lớp vỏ bánh đen, mềm thơm. Nhân bánh là sự kết hợp giữa những tép tỏi với đậu xanh, đậu đen… Những tép tỏi đen dẻo có vị chua nhè nhẹ hòa quyện với lớp nhân thật thơm ngon. Bộ đôi trà đen - bánh trung thu tép tỏi là cặp đôi bánh - trà huyền bí đầy thú vị.
Vũ Nghi (t/h)