Ấn Độ: Giá chè tăng mạnh do Covid-19
Theo số liệu của Bộ Công Thương Việt Nam, những tháng qua, giá chè tại các phiên đấu giá tại Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục 232,6 rupee (3,11 USD)/kg, cao hơn 57% so với một năm trước đây.
Giá chè tăng tạo thuận lợi cho ngành chè nước này – vốn đang gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, giá tăng có thể cản trở hoạt động xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí khiến cho nhập khẩu gia tăng từ các đối thủ như Kenya và Sri Lanka.
Lũ lụt đã phá hủy các vườn chè ở bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ - nơi chiếm hơn một nửa sản lượng của nước này. Nơi này vốn đã bị hạn chế đi lại để ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng chè.
Ông Bohhat Bezboruah, Chủ tịch Hội đồng Chè Ấn Độ cho biết, sản lượng dự báo giảm 10%, được bù lại bởi giá tăng khoảng 10% sau 8 năm trì trệ. Tuy nhiên, giá năm tới dự báo sẽ giảm do sản lượng dự báo tăng.
Giá chè Ấn Độ - Nguồn: VITIC/Reuter
Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, có ít nhất 90 vườn chè ở Assam tại Ấn Độ đã ngừng hoạt động bởi lệnh giãn cách nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, để tránh lây lan sang thêm 800 đồn điền của khu vực này. Đây là khu vực sản xuất chè lớn của Ấn Độ.
Bộ Công Thương cũng dẫn nguồn từ các nhà sản xuất chè của Ấn Độ cho hay, nếu tình hình dịch khó kiểm soát sẽ dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh làm đình trệ mùa thu hoạch và đẩy chi phí tăng cao, việc thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng đến thu hoạch, chế biến và xuất khẩu chè của quốc gia này…
Cơ hội để doanh nghiệp chè Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu
Mặc dù là nước sản xuất chè lớn thứ 2 thế giới nhưng sản xuất gặp khó khăn, trong khi nhu cầu thị trường của nước này vẫn ở mức cao, Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu chè để tiêu thụ và tái xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp chè Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2021 cả nước xuất khẩu 91.595 tấn chè các loại, tương đương 153,29 triệu USD, giá trung bình 1.673,6 USD/tấn, giảm 6,6% về lượng, giảm 2,5% về kim ngạch nhưng tăng 4,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng tháng 9/2021 xuất khẩu 11.695 tấn, đạt 20,33 triệu USD, giá 1.738,5 USD/tấn, tăng 13% về lượng và tăng 16,6% kim ngạch và tăng 3% về giá so với tháng 8/2021. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu chè của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc, Ấn Độ tăng mạnh; tới thị trường Trung Quốc đạt 3,5 nghìn tấn, tăng 175,2%; tới thị trường Ấn Độ tăng 1.157,8%.
Đối với thị trường Ấn Độ, Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2021 xuất khẩu chè sang Ấn Độ đạt tới 804 tấn với trị giá kim ngạch trên 1,01 triệu USD, trong khi đó, xuất khẩu chè sang quốc gia này 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 64 tấn với kim ngạch đạt 84 nghìn USD.
Tiếp đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, trong nửa cuối năm 2021 dự báo xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng khả quan. Nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)… tiếp tục tạo điều kiện để mặt hàng chè của Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
“Các sản phẩm làm từ cây chè của Việt Nam đang ngày càng đa dạng và phong phú, được đảm bảo sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chè Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ giá tương đối rẻ so với chè của Ấn Độ và một vài nước khác. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí vận tải biển đang cao do dịch bệnh Covid -19, vấn đề này đang được cơ quan nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu đồng hành tháo gỡ.
Một khó khăn khác về lâu dài là, sự tăng mạnh về lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam gây ra sự lo ngại cho ngành sản xuất chè hùng mạnh và lâu đời của nước này. Nước bạn sẽ gây sức ép với Chính phủ để có những biện pháp bảo hộ cao hơn. Để giảm bớt rủi ro và nguy cơ áp thuế tự vệ thương mại hoặc thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và minh bạch trong sản xuất và kinh doanh. Duy trì và nâng cao chất lượng chè, nhất là việc quảng bá cho thương hiệu chè Việt Nam thông qua kinh doanh với thế giới bên ngoài. Cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tăng cường xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường mà Ấn Độ vẫn sử dụng chè Việt Nam để tái xuất. Như vậy, vừa mở rộng được thị trường xuất khẩu, vừa tăng thêm giá trị gia tăng cho chè xuất khẩu của nước ta.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.