Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản lượng lương thực toàn cầu

Các ước tính mới cho thấy nếu khí nhà kính tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, các khu vực rộng lớn có nguy cơ rơi vào điều kiện khí hậu không thể trồng cây lương thực. Theo đó, 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị biến đổi khí hậu đe dọa.

Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng có rất ít kiến thức khoa học về những khu vực nào trên hành tinh sẽ bị ảnh hưởng hoặc những rủi ro lớn nhất có thể là gì. Nghiên cứu mới do Đại học Aalto thực hiện đánh giá sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu không cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo nghiên cứu, kịch bản này có khả năng xảy ra nếu lượng khí thải các-bon đi-ô-xýt tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học định nghĩa khái niệm không gian khí hậu an toàn là những khu vực hiện đang có 95% sản lượng cây trồng, nhờ sự kết hợp của ba yếu tố khí hậu, lượng mưa, nhiệt độ và độ khô cằn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những thay đổi về lượng mưa và độ khô cằn cũng như khí hậu ấm lên đang đe dọa đặc biệt đến sản xuất lương thực ở phía Nam và Đông Nam Á cũng như khu vực Sahel của Châu Phi. Đây cũng là những khu vực thiếu khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu thay đổi.
Tác giả nghiên cứu cho biết: “Sản xuất lương thực như chúng ta biết đã phát triển trong điều kiện khí hậu khá ổn định, trong thời kỳ ấm lên chậm sau kỷ băng hà cuối cùng. Sự gia tăng liên tục của phát thải khí nhà kính có thể tạo ra những điều kiện mới, và sản xuất cây lương thực và vật nuôi sẽ không có đủ thời gian để thích ứng''.
Hai kịch bản tương lai về biến đổi khí hậu đã được sử dụng trong nghiên cứu, một trong đó lượng khí thải các-bon đi-ô-xýt được cắt giảm triệt để, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 - 2 độ C và một kịch bản khác trong đó lượng khí thải tiếp tục tăng lên mà không bị can thiệp.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến 27 loại cây lương thực thiết yếu nhất và 7 loại vật nuôi khác nhau để giải thích về khả năng thích ứng với thay đổi. Kết quả cho thấy các mối đe dọa ảnh hưởng đến các quốc gia và châu lục theo những cách khác nhau. Đối với 52 trong số 177 quốc gia được nghiên cứu, toàn bộ sản lượng lương thực sẽ được duy trì trong không gian khí hậu an toàn trong tương lai, bao gồm Phần Lan và hầu hết các quốc gia châu Âu khác.
Các quốc gia vốn đã dễ bị tổn thương như Benin, Campuchia, Ghana, Guinea-Bissau, Guyana và Suriname sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu không có thay đổi, tới 95% sản lượng lương thực hiện tại sẽ nằm ngoài không gian khí hậu an toàn. Đáng báo động là các quốc gia này cũng có khả năng thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra kém hơn nhiều so với các quốc gia giàu có phương Tây. Nhìn chung, 20% sản lượng trồng trọt và 18% sản lượng chăn nuôi của thế giới bị đe dọa nằm ở các nước có khả năng chống chịu kém với những thay đổi khí hậu.
Nếu lượng khí thải các-bon đi-ô-xýt được kiểm soát, các nhà nghiên cứu ước tính rằng khu vực khí hậu lớn nhất thế giới ngày nay - rừng cây trải dài khắp Bắc Mỹ, Nga và châu Âu - sẽ thu hẹp từ 18,0 xuống 14,8 triệu km vuông hiện tại vào năm 2100. Nếu chúng ta không thể cắt giảm lượng khí thải, chỉ khoảng 8 triệu km vuông của khu rừng rộng lớn sẽ còn lại. Sự thay đổi thậm chí còn ấn tượng hơn ở Bắc Mỹ. Theo các nhà nhiên cứu, vào năm 2000, khu vực này có diện tích khoảng 6,7 triệu km vuông - vào năm 2090, có thể thu hẹp lại còn 1/3.
Lãnh nguyên Bắc Cực sẽ còn tồi tệ hơn với ước tính sẽ biến mất hoàn toàn nếu biến đổi khí hậu không được khắc phục. Đồng thời, rừng khô nhiệt đới và các vùng sa mạc nhiệt đới được ước tính sẽ phát triển.
Mặc dù nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên xem xét toàn diện các điều kiện khí hậu nơi thực phẩm được trồng ngày nay và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những khu vực này trong những thập kỷ tới, nhưng thông điệp mang lại lợi ích của nó không phải là duy nhất: thế giới cần hành động khẩn cấp./.

Di Linh (t/h)