Hiện nay, toàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có 535 ha chè, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Lương, Canh Nậu... Trong đó, 215 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 1,5 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Sản lượng búp tươi năm 2023 đạt 4,8 nghìn tấn. Huyện có một hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến chè an toàn và 5 tổ hợp tác. Sản phẩm chè xanh Bản Ven và điểm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven được chứng nhận OCOP 3 sao. Từ loại cây này, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đời sống từng bước cải thiện.
Nhằm nâng cao giá trị, vị thế cây chè, UBND huyện Yên Thế đã tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác. Từ năm 2021 đến nay, huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho hàng trăm hộ gia đình; hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích 11,8 ha; hỗ trợ trồng mới 2 ha chè. HTX Thân Trường (xã Xuân Lương) được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng mô hình trồng chè hữu cơ với diện tích 1,5 ha.
Bà Lý Thị Hợi - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thân Trường cho biết: “HTX tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ đồng thời không ngừng đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh để khắc phục khó khăn, nâng giá trị các sản phẩm từ cây chè. Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nhân công, HTX lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm cho 10/20 ha; đầu tư khu vực chế biến chè rộng rãi, sạch sẽ với dây chuyền máy móc hiện đại giúp tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nhiều nhân lực, thời gian, chi phí.
Tháng 3/2024, HTX “tung” ra thị trường sản phẩm chè hữu cơ. Mỗi hộp có 12 gói nhỏ (10 gam/gói, phù hợp cho một lần sử dụng) đem lại sự tiện lợi cho người dùng. Hiện HTX đã tiêu thụ hơn 500 hộp (bán trực tiếp và trên mạng xã hội); ước tính từ nay đến cuối năm 2024 sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 20 nghìn hộp”. Ngoài đổi mới hoạt động sản xuất chè, đơn vị còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng dựa trên thế mạnh của địa phương.
Được biết, điểm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Khoảng 1 năm trở lại đây, HTX Thân Trường có thêm dịch vụ trải nghiệm chăm sóc, chế biến, đóng gói chè cho học sinh. Các hộ sản xuất chè khác trên địa bàn huyện cũng chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tự động; nâng cấp nhà xưởng, khu chế biến; thay đổi hình thức bán hàng,... Như hộ ông Hoàng Văn Sử ở bản Ven tích cực đưa sản phẩm lên mạng xã hội để mở rộng thị trường. Nhờ đó năm nay, hộ này có thêm khách hàng ở các tỉnh miền Nam.
Thời gian tới, huyện Yên Thế tiếp tục quan tâm chỉ đạo các HTX, tổ sản xuất và hộ gia đình duy trì và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa, trọng tâm sản xuất các sản phẩm có chất lượng và giá trị thương phẩm cao như chè sạch, chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ và các sản phẩm khác; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thâm canh; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên áp dụng công nghệ về giống, quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, công nghệ sinh học...
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm; hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng nhãn hiệu “Chè Yên Thế” thông qua việc ủy quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây chè.
SƠN THỦY