Vốn nổi danh với thương hiệu chè Shan tuyết, xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) có một vùng chè cổ tồn tại hàng trăm năm, nay vẫn đang cho thu hoạch.
Đây cũng là những cây đầu dòng, giúp bà con địa phương nhân rộng diện tích lên hơn 300ha, sản lượng mỗi năm ước đạt khoảng 15 tấn chè khô. Ngày 28/12/2018 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho đặc sản “Chè Shan tuyết Bằng Phúc”.
Hiện xã đang tập trung mở rộng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra vùng sản xuất chè an toàn, liên kết doanh nghiệp, tổ hợp tác với các hộ dân nhằm phát huy giá trị sản phẩm chè Shan tuyết đặc sản.
Đối với huyện Chợ Mới, chè được coi là cây trồng mũi nhọn với diện tích gần 800ha, trồng tập trung tại các xã vùng trung tâm và vùng phía Đông. HTX thanh niên Như Cố là mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả trên địa bàn.
Một trong những sản phẩm nổi bật của HTX này là "Chè Như Cố"- sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh. Bắt đầu từ năm 2018, HTX đầu tư nhà xưởng chế biến chè trên diện tích hơn 200m2. Các lô sản phẩm đều được kiểm định chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được đóng gói hút chân không, mẫu mã, bao bì đẹp. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm chè Như Cố ngày càng được mở rộng, bán qua nhiều kênh như các trang thương mại điện tử, bán hàng online, hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh, các điểm dừng đỗ...
Huyện Ba Bể phát triển diện tích chè trên 700ha, trồng chủ yếu tại các xã Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu. Để giúp người dân tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người trồng chè thâm canh, cải tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trồng chè.
Tính đến hết năm 2019, tổng diện tích chè của tỉnh Bắc Kạn là 2.168ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 1.938ha, sản lượng đạt trên 9.400 tấn búp tươi (tính đến hết năm 2019). Toàn tỉnh có 60ha diện tích chè được chứng nhận ATTP hoặc VietGAP, 179ha diện tích thâm canh, cải tạo. Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo kế hoạch, đến năm 2025 tổng diện tích chè toàn tỉnh phấn đấu đạt 2.500ha, sản lượng 12.000 tấn búp tươi/năm.
Để tạo vùng nguyên liệu định hướng phát triển hàng hóa, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025 đã xác định cây chè là ngành hàng cấp tỉnh, đưa ra giải pháp phát triển sản xuất, trong đó phân vùng nguyên liệu đối với từng giống chè phù hợp. Theo đó, tập trung phát triển vùng chè trung du đạt 1.500ha, trồng tập trung tại các xã Quảng Chu, Yên Đĩnh (nay là thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới), Mỹ Phương, Chu Hương (Ba Bể); vùng chè Shan tuyết với diện tích 1.000ha, phân bố ở các xã Bằng Phúc (Chợ Đồn), Quảng Khê (Ba Bể), Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư (Chợ Mới).
Đối với ngành hàng chè của Bắc Kạn hiện nay, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, thủ công, giá thành không ổn định, thường thấp hơn so với các tỉnh, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Thị trường chính của cây chè Bắc Kạn trong giai đoạn tới vẫn là tiêu thụ nội địa với sản phẩm là chè xanh. Để phát triển ổn định, ngành hàng chè cần có sự tham gia liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp. Riêng sản phẩm chè Shan tuyết, định hướng đưa vào các chuỗi tiêu thụ ở hệ thống siêu thị lớn, từng bước tham gia thị trường xuất khẩu, phát huy giá trị đặc sản.
Để thương mại hóa sản phẩm và phát huy giá trị cây chè, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã; nghiên cứu xây dựng các xưởng chế biến, các khu chế biến tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ. Đồng thời định hướng phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm, VietGAP, tăng cường quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm chè Bắc Kạn./.
Đan Linh (tổng hợp)