Ở xứ sở Việt Nam, mỗi loại chè cổ đều mang một bản sắc không thể sao chép. Những loại chè ấy là linh hồn của vùng đất ấy, là biểu tượng của sự bền bỉ vượt thời gian.
Đương cử ở miền Bắc, có những loại chè cổ thụ được gìn giữ như những báu vật như Chè Shan tuyết Suối Giàng (tỉnh Yên Bái). Loại chè này được ví như “linh khí trời ban”, những cây chè ở độ cao hơn 1.300m quanh năm sương mù bao phủ.
Mỗi búp trà Shan tuyết Suối Giàng mang vị ngọt thanh xen lẫn chút chát nhẹ đặc trưng, hậu vị kéo dài. Đây là vùng chè được xuất khẩu đi châu Âu, Nhật Bản.
Hay Chè Shan tuyết Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) mọc trên những sườn núi đá hiểm trở. Chè ở đây có tuổi đời hàng trăm năm, lá to, phủ lớp phấn trắng như tuyết – dấu hiệu của một vùng trà quý hiếm. Hương trà nơi đây được mô tả là “vị của gió núi, mùi của rừng sâu”.
Ngoài ra còn có Chè Shan tuyết Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), là nơi cây chè mọc giữa tầng mây và những thửa ruộng bậc thang. Mỗi cây như một chứng nhân của lịch sử và văn hóa người Dao, người Mông. Hương vị trà có độ đậm đà, béo ngậy như vị đất trời hội tụ.
Từ những thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn đọc ở Kỳ 1 thì giờ đây, liệu chè cổ Tiến Vua Bình Định có đủ đặc biệt để sánh vai với những “cổ trà” trứ danh như Shan tuyết Suối Giàng, Tủa Chùa hay Hoàng Su Phì? Liệu chè cổ Tiến Vua Bình Định có được đứng trước cơ hội được gọi tên trong bản đồ trà Việt – như một "hồn trà" của đại ngàn phương Nam hay không?
Hiện Chè Tiến Vua Bình Định, dù chưa được biết đến nhiều, nhưng cũng mang trong mình phẩm chất ấy. Vị chè nơi đây không ngọt hậu như Suối Giàng, không mộc mạc như Hoàng Su Phì – mà đậm, sâu, trầm – như chính con người xứ Nẫu: kiên cường, khảng khái, nhưng vẫn đầy đằm thắm.
Không chỉ hương vị, câu chuyện chè Tiến Vua cũng mang dáng dấp huyền thoại. Tương truyền, loại chè này từng được người dân địa phương dâng lên các bậc vua chúa triều Nguyễn.
Vị trà làm say lòng người, đến mức được chọn làm phẩm vật tiến cống hàng năm. Dù chưa được ghi chép chính thức trong sử liệu, nhưng truyền thuyết ấy vẫn sống mãi trong lòng người Ba Na vùng núi An Toàn, huyện An Lão – như một biểu tượng của niềm tự hào.
Giữa những tầng rừng thâm u của Bình Định, nơi mây phủ như tấm voan bạc và chim rừng cất tiếng hót trong veo như thời chưa có bước chân người, những cây chè Tiến Vua vẫn âm thầm vươn mình sống sót qua bao mùa giông bão.
Chúng không cần người bón phân hay tưới nước, cũng chẳng được che chắn bằng mái nylon như chè công nghiệp hay các loại chè Shan tuyết phía Bắc. Vậy mà vẫn sống khỏe, xanh tốt, như một món quà của thiên nhiên để lại sau cuộc giao ước ngàn đời giữa đất và người.
Không giống những đồi chè công nghiệp trồng theo luống, được tỉa tót cắt gọn, chè Tiến Vua mọc tự nhiên trong rừng sâu. Có cây đã hơn trăm tuổi, thân phủ rêu xanh, gốc xù xì như một lão nhân. Lá chè dày bản, xanh đậm, mang trong mình hương vị đậm đà của thổ nhưỡng Bình Định – nơi nắng gió chan hòa và sương mù giăng lối.
Nhưng chính sự hoang dại ấy lại là thách thức lớn nhất với những người làm chè: Làm sao để hái được búp mà không làm tổn thương thân cây? Làm sao để chế biến mà giữ nguyên vẹn được tinh túy, không đánh mất cái “hồn trà” đặc trưng của núi rừng?
Anh Nguyễn Trường Tư, Nhân viên Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn cũng là một người có sự đam mê bất tận với loại chè Tiến Vua này. Anh chia sẻ, hằng tuần trong quá trình đi kiểm tra rừng, anh đều dành thời gian để hái những búp chè về sơ chế.
“Muốn có Hồng trà hay Hoàng trà từ chè Tiến Vua để uống cho ngon đều phải hái đúng mùa và từ đọt trở xuống 2 lá chứ không được thêm. Hồng trà thì mang đi phơi 12 giờ cho đến khi bẻ ra không gãy rồi mang đi vò. Sau đó ủ 9 tiếng, phơi 9 tiếng.
Còn hoàng trà chỉ cần hái ngọn mang về phơi 2-3 tiếng, sau đó mang đi sao 5 phút, vò 10 phút rồi mang phơi”, anh Tư chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.
Không có lối đi dễ dàng trong hành trình bảo tồn. Không thể dùng máy móc, càng không thể “chuẩn hóa” quy trình như chè đại trà. Mỗi búp chè là kết tinh của đất trời và thời gian, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và một tình yêu thực sự sâu đậm của con người với cây chè.
“Muốn hái chè phải nhẹ tay như nâng trứng. Muốn sao chè phải biết lắng nghe từng hơi thở của lửa. Phải sống với chè như người bạn tri kỷ, thì mới mong giữ được vị ngon núi rừng”, anh Tư chia sẻ.
Trong câu chuyện của anh Tư chợt nhận thấy, chỉ với tình yêu thôi thì chưa đủ. Trong khi các loại chè công nghiệp liên tục được đầu tư, quảng bá, thì chè Tiến Vua vẫn chỉ âm thầm tồn tại nhờ vào lòng kiên nhẫn của một số ít người. Nếu không có một chiến lược bảo tồn bài bản, giống chè này sẽ mãi mãi bị lãng quên trong rừng già.
Trước nguy cơ mai một, UBND tỉnh Bình Định đã bắt đầu lên kế hoạch khảo sát, phục tráng và phát triển vùng chè cổ này. Theo thông tin sơ bộ, tỉnh đang phối hợp với các nhà nghiên cứu nông học và doanh nghiệp chế biến chè nhằm xác định lại vùng phân bố, phân loại giống, và tìm cách nhân giống chè Tiến Vua theo phương thức tự nhiên nhất.
Trong chuyến tham quan đầu năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đánh giá cao mô hình sản xuất thử nghiệm chè Tiến vua mà các đơn vị đang thực hiện.
“Chè Tiến Vua trăm tuổi rất ý nghĩa vì sẽ giúp cho địa phương có thể phát triển du lịch văn hóa gắn kết phát triển sản phẩm chè, tạo ra sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách đến với vùng đất An Toàn; tạo công việc ổn định cho người dân, từng bước thoát nghèo”, ông Hồ Quốc Dũng nhận định
Mục tiêu không chỉ là giữ lại cây chè, mà còn là khôi phục hệ sinh thái và văn hóa liên quan. Những rừng chè cổ có thể trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái, gắn với trải nghiệm hái chè, thưởng trà giữa rừng – nơi con người tìm lại nhịp sống chậm rãi, an yên giữa thiên nhiên nguyên sơ.
Tỉnh Bình Định đã cân nhắc đề xuất đưa chè Tiến Vua vào danh sách sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đặc trưng, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu và quảng bá rộng rãi hơn. Một loại chè từng được dâng vua, mang đậm bản sắc đất võ Bình Định, không thể mãi bị lãng quên.
Không giống với miền Bắc – nơi chè cổ thụ được bảo tồn như di sản quốc gia – thì ở phương Nam, chè rừng như chè Tiến Vua Bình Định thường gắn liền với đời sống nông hộ, âm thầm mà bền bỉ. Chính điều đó khiến hành trình định danh và định vị chè Tiến Vua càng gian nan, nhưng cũng đầy hy vọng.
Và nếu thành công, Bình Định sẽ góp một tiếng nói quan trọng vào bản đồ trà Việt – như một điểm chấm phá đậm chất miền Trung, nơi trà không chỉ là thức uống, mà là một biểu tượng văn hóa sống động.
Chè Tiến Vua không cần phải giống ai. Nó chỉ cần được là chính mình – hoang dã, trầm mặc và bền bỉ – như linh hồn của đại ngàn Bình Định.