Giá 'chát', nhà đầu tư vẫn âm thầm săn đất view sông, hồ
Dù giá các mảnh đất có vị trí gần sông, suối, hồ đều cao hơn những vị trí khác nhưng vẫn được nhà đầu tư săn tìm, lựa chọn.
Ông Quốc Định (TP Thủ Đức) chia sẻ giới đầu tư đất thường chọn vị trí đất “nhất cận thị, nhị cận giang” nhưng riêng với đất vùng ven thì họ lại chuộng đất có view (tầm nhìn) cận giang, gần sông, suối, hồ, ao… rồi mới đến đất có mặt tiền đường lớn.
“Người mua đất vườn ở vùng quê thường nhắm tới mục đích nghỉ dưỡng, có không khí thoáng mát, tốt cho sức khỏe. View sông, suối hay hồ là những mặt tiền có tiền cũng khó mua được, hiếm nên có giá cao hơn, ít người bán nhưng rất nhiều người muốn mua” - ông Định nói.
Ông Định cho biết đang giới thiệu với bạn bè những mảnh đất view hồ Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Mỗi sào đất vườn trồng cây lâu năm view hồ có mức giá 1,6-1,8 tỉ đồng/sào (một sào = 1.000 m2) trong khi đất vườn bình thường chỉ có giá 1-1,2 tỉ đồng/sào. Nhu cầu nhiều nhưng tìm người bán không hề dễ dàng.
Từng trúng lớn từ việc đầu tư đất view cận giang, anh Duy Hưng (quận 3) tiết lộ bản tính người Việt thích gần gũi với thiên nhiên, mua đất kiểu gì cũng muốn gần sông, hồ nếu không cũng phải có cái ao. Vì vậy, anh Hưng và nhiều nhà đầu tư đã đi trước, đón đầu tìm mua những mảnh đất có những vị trí này ở Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cách đây vài năm, đất view sông, suối ít ai để ít, giá còn rẻ. Như đất vườn view hồ Bà Mụ (thị trấn Tân Phú, Bình Phước) giá 4-5 năm trước chỉ khoảng 300-400 triệu đồng/sào nhưng hiện nay lên tới 1,5-2 tỉ đồng/sào. Đất diện tích lớn thì giá mềm hơn, diện tích vừa vừa 1-3 sào thì giá cao hơn, có khu vực đất bán từ 150-300 m2/lô với mức giá khoảng 2,5-3,5 triệu đồng/m2.
Công khai đồ án quy hoạch xây dựng ở Bảo Lộc để dân giám sát
Ngày 16.3, UBND TP.Bảo Lộc cho biết vừa có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.
Thời gian qua, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn TP.Bảo Lộc diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, UBND TP.Bảo Lộc cho biết sẽ thực hiện nghiêm việc công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, đặc biệt là các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch.
UBND TP.Bảo Lộc chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10.8.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.
Để tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, UBND TP.Bảo Lộc tổ chức phát động tháng cao điểm (từ ngày 1.4-30.4) tuyên truyền, vận động người dân, trước hết cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu tự giác chấp hành việc tháo dỡ, khắc phục vi phạm đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, sai phép, cơi nới lấn chiếm lòng, lề đường, lộ giới…
Ngoài ra, TP.Bảo Lộc chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp và quy hoạch đã được phê duyệt; tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện làm phát sinh cơ chế “xin – cho” trong việc cấp phép xây dựng.
UBND TP.Bảo Lộc yêu cầu các Chủ tịch UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn; rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai giấy phép được cấp tại địa phương; các tổ chức, cá nhân môi giới xây dựng các công trình không phép, sai phép trên địa bàn để nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Nhà ở công nhân, khi nào cung “đuổi kịp” cầu
Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương sớm xây dựng và triển khai giải pháp lành mạnh hóa thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, khu nhà ở cho người lao động chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động. Cùng đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Đặc biệt, khi dịch bùng phát nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam hồi quý II/2021 đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế đang được xã hội quan tâm.
Phát triển nhà ở công nhân cũng là một trong những nội dung góp phần đưa Nghị quyết 25 đi vào thực tiễn. Đặc biệt, khi Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp cùng nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức; tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I/2022.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, công nhân là một trong 10 nhóm đối tượng quy định được hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 49 của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, công nhân có phương thức sống và đặc thù về công việc rất khác so với các đối tượng khác.
Hiện Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước. Là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho công nhân.
Xử lý nghiêm tình trạng xây công trình để chờ đền bù
Từ giữa tháng 2/2022 đến nay, khi xuất hiện những thông tin về tuyến đường cao tốc bắc-nam sẽ đi qua địa bàn xã, nhiều hộ dân ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) xây dựng các công trình trên đất vườn, đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất với danh nghĩa xây dựng chuồng trại để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, sự việc có những dấu hiệu bất thường khi phần lớn công trình được xây dựng mới với tiến độ rất nhanh ở các thôn dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông-nơi được cho là hướng tuyến của đường cao tốc Bắc-Nam phía đông đi qua. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết công trình xây dựng đều có tường bao quanh bằng gạch block và lợp mái tôn, xà gồ.
Có những công trình đã hoàn thành nhưng không tô trát và cũng có không ít công trình đang được gấp rút xây dựng với tốc độ nhanh nhất có thể. Một người dân vừa xây xong chuồng trại chăn nuôi rộng hàng trăm mét vuông ở thôn Tam Hương, xã Phú Thủy cho biết, đây là đất trồng cây lâu năm của gia đình cho nên bây giờ ông đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Tuy nhiên, khi được hỏi, đầu tư chuồng trại quy mô như vậy thì khâu giống vật nuôi, đầu ra cho trang trại như thế nào thì người đàn ông này không trả lời.
Trước hiện tượng bất thường này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng đất. Hiện, UBND xã Phú Thủy chưa nhận được bất kỳ thông tin, văn bản nào khẳng định về vị trí, hướng tuyến cụ thể tuyến đường cao tốc bắc-nam. Hiện 13 hộ dân xây dựng các công trình chuồng trại một cách cấp tốc ở Phú Thủy đều bị lập biên bản để xử lý theo quy định.