Bản tin bất động sản 19/3: Siết chặt quản lý thuế; Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại

Bản tin bất động sản ngày 19/3 nổi bật với các nội dung đáng chú ý sau đây: Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trở lại; TP.HCM cần sớm giải phóng mặt bằng tránh gây lãng phí quỹ đất.

Siết chặt quản lý thuế trong việc chuyển nhượng bất động sản

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) Lý Thị Hoài Hương cho biết việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay gặp nhiều khó khăn do liên quan đến rất nhiều luật cũng như nhiều cơ quan ban, ngành.

Theo bà Lý Thị Hoài Hương, cơ quan quản lý thuế đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Bởi lẽ theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều trở ngại.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp sổ thì người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, nhằm trốn thuế, tránh thuế.

Ngoài ra, một số trường hợp hai bên mua và bán bất động sản không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền, trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.

Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại

UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa có thông báo về việc giải quyết thủ tục hành chính về tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện.

Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).
Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Theo đó, UBND huyện này chỉ đạo Trung tâm hành chính công huyện thực hiện tiếp nhận các hồ sơ đăng ký thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện kể từ ngày 17/3.

Trung tâm hành chính công huyện tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đối với thửa đất nông thôn, đất ở đô thị (thửa đất sau khi tách đã có đất ở) tại các khu vực theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là đất ở hiện trạng. Việc xử lý đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, UBND huyện Vân Đồn cũng giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các phòng ban liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện các quy trình, thẩm định, trình duyệt hồ sơ theo các quy định pháp luật; Rà soát, công bố các khu vực đủ điều kiện thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa trên địa bàn huyện.

Tp. Hồ Chí Minh cần sớm giải phóng mặt bằng tránh gây lãng phí quỹ đất

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020, Tp.Hồ Chí Minh có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích là 5.921,15 ha.

Bản tin bất động sản 19/3: Siết chặt quản lý thuế; Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại - Ảnh 1

Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ có 19/23 khu chế xuất, khu công nghiệp (gồm 3 khu chế xuất, 16 khu công nghiệp) có quyết định thành lập nằm trên địa bàn 8 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với tổng diện tích 4.546,14 ha/5.921,15 ha; chiếm 76,78% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp; trong đó, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 3.791,84/5.921,15 ha, chiếm 64,04%; diện tích đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.

việc chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nên chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp không thể thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai cả cho phần diện tích đã hoàn tất giải tỏa (thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nên chưa thể tiếp nhận các dự án đầu tư vào khu vực đất này, gây lãng phí quỹ đất không được khai thác.

Trước đó, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có Thông báo số 393/TB-VP ngày 14/5/2021 và Thông báo số 422/TB-VP ngày 25/5/2021 về nội dung kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan về giải quyết các vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Thanh Hóa sắp có thêm KCN rộng hơn 490 ha

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Một góc KKT Nghi Sơn. (Ảnh: UBND thị xã Nghi Sơn).
Một góc KKT Nghi Sơn. (Ảnh: UBND thị xã Nghi Sơn).

Theo đó, dự án được triển khai tại xã Tân Trường, xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn (thuộc một phần phân khu công nghiệp số 15 - khu kinh tế Nghi Sơn) với quy mô gần 492 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP.

Thời gian triển khai dự án không quá 48 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 18/3/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng sản xuất sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật; giữ nguyên hiện trạng toàn bộ đất rừng tự nhiên trong khu vực thực hiện dự án và không tính phần diện tích này vào phần diện tích đất cây xanh của dự án.

Nhà đầu tư có trách nhiệm ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.

UBND tỉnh Thanh Hóa được giao tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định; chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng sản xuất, đất trồng lúa trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng, đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 9/5/2018,…

Bà Rịa - Vũng Tàu: Quá hạn vẫn chưa thu hồi được hơn 28ha “đất vàng”

Bản tin bất động sản 19/3: Siết chặt quản lý thuế; Vân Đồn cho phép tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trở lại - Ảnh 2

Theo UBND TP Vũng Tàu, sau khi tổ chức đối thoại trực tiếp, đa số doanh nghiệp đồng tình với chủ trương thu hồi đất của chính quyền, chỉ riêng Công ty TNHH Du lịch DIC (DIC Corp) chưa đồng tình. Nhiều đơn vị có thêm một số kiến nghị như: được tiếp tục hoạt động kinh doanh cho đến khi UBND TP Vũng Tàu yêu cầu bàn giao đất cho nhà đầu tư mới để xây dựng; xác định lại tiền thuê đất trong kết luận thanh tra; không tính tiền thuê đất từ 1-6-2021 và tiếp tục tham gia đầu tư kinh doanh theo quy hoạch. Một số đơn vị đề nghị được bồi thường, hỗ trợ kinh phí đối với những công trình xây dựng không phép phục vụ kinh doanh du lịch.

Theo kết luận thanh tra số 261 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 9 doanh nghiệp thuê 28ha đất ở khu vực Bãi Sau đã không nộp tiền sử dụng đất trong hơn 20 năm với tổng số tiền nợ hơn 320 tỷ đồng và xây dựng nhiều công trình trái phép, không phép. Chính quyền yêu cầu các đơn vị trả lại đất trước 15-3-2022 nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện.

KTDU

Từ khóa: