Bản tin Tiêu dùng: Lá sen phơi khô có giá đắt đỏ

Lá sen tưởng như bỏ đi nhưng khi phơi khô lại có giá đắt đỏ 400.000 đồng/kg, khi đem uống thậm chí còn rất tốt cho sức khỏe.

Ruột măng cụt giá 850 nghìn/kg vẫn ‘đắt như tôm tươi’

Bản tin Tiêu dùng: Lá sen phơi khô có giá đắt đỏ - Ảnh 1

Năm nay, món gỏi gà măng cụt không còn sốt rần rần khắp mạng xã hội như thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Song loại quả xanh non ăn giòn nhưng không rõ mùi vị này vẫn xuất hiện tràn ngập chợ với giá bán vô cùng đắt đỏ, khiến nhiều người mê mẩn.

Hiện một cân măng cụt xanh có giá từ 80.000-130.000 đồng tuỳ loại, đắt hơn cả măng cụt chín. Đáng chú ý, măng cụt xanh gọt sẵn (ruột măng cụt) giá siêu đắt, lên đến 650.000-850.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Mức giá này đắt ngang cơm sầu riêng hàng VIP. Dù đắt đỏ nhưng mặt hàng này vẫn “đắt như tôm tươi”

Giá cà phê trên đỉnh cao lịch sử

Bản tin Tiêu dùng: Lá sen phơi khô có giá đắt đỏ - Ảnh 2

Giá cà phê vẫn tăng không ngừng nghỉ, lên đỉnh cao lịch sử khi cả thế giới phụ thuộc vào nguồn cung từ Việt Nam.

Thời điểm này năm 2023, giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trên dưới 50.000 đồng/kg. Năm nay, giá cà phê ghi nhận ngày 17/4 vọt lên đỉnh lịch sử 116.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê tăng 66.000 đồng/kg, tương đương tăng 132%. Nhờ đó, nông dân trúng đậm, có hộ thu tiền tỷ, tậu ngay ô tô mới. 

Lá sen đem phơi khô có giá đắt đỏ

Bản tin Tiêu dùng: Lá sen phơi khô có giá đắt đỏ - Ảnh 3

Nhắc đến sen hẳn ai cũng biết bởi nó là loại cây phổ biến, trồng khắp các vùng miền ở nước ta. Thông thường, người trồng chỉ thu hoạch hoa, củ và hạt sen để bán. Số ít lá sen được tận dụng để gói xôi, cốm, nếu không sẽ bị bỏ đi. Nhưng hiện nay, giá bán của lá sen lại thuộc hàng đắt đỏ.

Theo đó, lá sen tươi có mức dao động từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, lá sen khô có mức giá đắt đỏ hơn nhiều, dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 400.000 đồng/kg. Sở dĩ lá sen khô lại đắt đến như vậy vì phải mất từ 6-8kg lá sen tươi mới tạo ra được 1kg lá sen khô. Ngoài ra, lá sen có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Sen vốn là loại cây phổ biến ở nước ta, nó được trồng ở khắp các vùng miền trên từ Bắc vào Nam. Thậm chí còn có những vùng trồng sen nổi tiếng như: Sen Tây Hồ, sen Huế, sen Đồng Tháp Mười… Theo đó, vào mùa loại cây này không chỉ cho bông hoa đẹp để ướp trà, cắm trang trí, hạt sen và củ sen được khai thác để làm nguyên liệu chế biến thành các món ăn hấp dẫn.

Không chỉ hoa, hạt sen mà lá của loại cây này cũng được tận dụng làm rất nhiều việc khác nhau. Ngoài để gói xôi, gói cốm… lá sen tươi, sen khô còn được sử dụng để làm trà uống hàng ngày. Được các chị em đặc biệt ưa chuộng.

Cá ngần sông Đà giá chỉ 89.000 đồng/kg

Bản tin Tiêu dùng: Lá sen phơi khô có giá đắt đỏ - Ảnh 4

Cá ngần hay còn gọi là cá thủy tinh, là đặc sản sông Đà. Loại cá này mềm như bún và trong như thủy tinh, đặc biệt là không có xương, lại có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. 

Trên thị trường, cá ngần sông Đà đang được rao bán mức giá bán lẻ vào khoảng 200.000-250.000 đồng/kg, còn giá sỉ cũng khoảng 150.000-170.000 đồng/kg. Nhưng trên chợ mạng, nhiều người không khỏi bất ngờ vì có bài đăng bán cá ngần sông Đà chỉ 89.000 đồng.

Chị Phương Quý - đầu mối bán hàng online ở Hà Nội, cho biết cá ngần giá rẻ có thể là loại cá mờm cơm bắt ở biển.

Còn anh Bùi Hồng Đức, chuyên bán các loại cá tự nhiên ở sông Đà, cho biết cá ngần sông Đà năm nay được mùa nên ngay từ đầu mùa, giá bán rẻ hơn mọi năm. Trên thị trường, có người bán cá ngần chỉ 89.000 đồng/kg thì cũng không có gì đáng nghi vấn cả, vì cá ngần sông Đà sẽ được chia thành nhiều loại; với những con kích thước chỉ to hơn sợi bún một chút giá bán rất rẻ.

Dâu tây Sơn La mất mùa, người trồng vẫn lãi cao

Bản tin Tiêu dùng: Lá sen phơi khô có giá đắt đỏ - Ảnh 5

Nhiều hộ nông dân trồng dâu ở Mộc Châu cho biết hết vụ năm nay, sản lượng giảm đến 30% so với năm ngoái, nhưng nhờ bán được giá tốt, người trồng dâu vẫn lãi cao.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, dâu tây Sơn La cuối vụ có giá 150.000 - 300.000 đồng một kg (tùy kích cỡ), cao hơn 10 - 15% so với hàng Đà Lạt và đắt gấp đôi so với hàng Trung Quốc.

Nếu các năm trước, dây này chỉ bán ở khu vực phía Bắc thì nay tiêu thụ ở hầu hết tỉnh thành phía Nam và cả miền Tây. Ngoài ra, sản phẩm cũng được bán trực tuyến trên mạng xã hội và các chợ online.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, huyện Mai Sơn cho hay năm nay, dâu tây không được mùa do ảnh hưởng của thời tiết khiến sản lượng giảm 25 - 30%. Nếu năm ngoái, hợp tác xã của ông bán ra thị trường 2.000 tấn, giờ chỉ khoảng 1.500 tấn. Tuy nhiên, đây là mặt hàng được ưa chuộng, bán rộng khắp cả nước với giá tốt nên trung bình mỗi ha, các thành viên thuộc hợp tác xã thu lãi tới 250 triệu đồng, cao hơn hộ trồng bên ngoài.