Bánh hình rồng, Thần Tài 'cháy hàng'
Ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Ngày này, nhiều người dân thường mua vàng, cúng cá lóc để cầu may, rước tài lộc vào nhà. Ngoài các mặt hàng trên, năm nay thị trường xuất hiện thêm các loại bánh hình ông Thần tài, hình rồng giá bình dân. Với tạo hình bắt mắt, các loại bánh này được người tiêu dùng ưa chuộng khiến nhiều nơi "cháy hàng" không kịp làm để bán.
Các loại bánh này có giá dao động 100.000-170.000 đồng. Chúng thường được chia thành hộp loại 1, 6, 9 cái một hộp. Với những mâm cúng có giá trên 1 triệu đồng, số lượng lên tới trên 10 cái với hình ông Thần Tài và hàng trăm cái với hình thỏi vàng. Nguyên liệu để làm ra những chiếc bánh tạo hình này là đậu xanh, bột mì hoặc bột làm bánh bao.
Bên cạnh các loại bánh có tạo hình độc đáo trên, bánh kem hình hũ vàng, bánh thỏi vàng, đào tiên hay Thần Tài cũng được khách ưa chuộng. Giá các chiếc bánh này dao động 120.000-300.000 đồng, giảm 15% so với năm ngoái.
Giá sầu riêng chạm mốc 200.000 đồng/kg
Sầu riêng Monthong gom không đủ để trả đơn cho các đầu mối xuất khẩu nên giá thu mua tăng liên tục.
Theo ghi nhận, nhiều vựa thu mua sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang đã mua sầu riêng Monthong với giá 200.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng một năm qua, tương đương với mức giá hồi cuối năm 2022.
Thời điểm này, sầu riêng nghịch vụ đã vào giai đoạn kết thúc vụ nên số lượng không còn nhiều. Một số nhà vườn tại Tiền Giang, Bến Tre chủ yếu đang dưỡng cây để cho vụ thuận, trước tình hình xuất khẩu loại trái cây này đang có chuyển biến tích cực.
Sau khi sầu riêng chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022 đến nay, trái sầu riêng luôn có giá bán cao, bình quân từ 140.000-170.000 đồng/kg.
Mâm cúng tam sên giá rẻ hút khách ngày vía Thần Tài
Ngày mùng 10 tháng Giêng là vía Thần Tài nên các mặt hàng như cá lóc, tôm càng, heo quay, cua, mía hay các mâm cỗ cúng Thần Tài đắt khách. Năm nay xu hướng thắt chặt chi tiêu nên người tiêu dùng chọn những mâm cúng tam sên giá rẻ chỉ 100.000-300.000 đồng, mức này giảm 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Facebook của một chuỗi nhà hàng tại Đống Đa (Hà Nội) đăng bán mâm cỗ cúng Thần Tài (bốn món) với giá 495.00 đồng gồm ba com tôm càng sú loại to hấp, 300-350 gram thịt quay giòn bì, một set 5 chiếc bánh bao hình túi vàng và một đĩa xôi gấc in chữ tài lộc. Combo ba món không có tôm được bán với mức giá 390.000 đồng một mâm.
"Năm nay chúng tôi chạy các set mới, bán theo combo giá vừa phải nên cũng được khách hàng quan tâm nhiều", chủ nhà hàng chia sẻ. Dịp này, nhà hàng đã nhận được gần 600 đơn hàng, tăng nhẹ so với năm ngoái.
Theo các cơ sở bán mâm cúng tam sên, ngoài việc giá nguyên liệu năm nay ổn định, thậm chí giảm, nhiều cơ sở cũng giảm các chi phí phát sinh để có mức giá cạnh tranh, kéo khách.
Dân chơi tiết lộ sự thật lan đột biến trăm tỷ sốt giá trở lại
Vài ngày trở lại đây, trên các “chợ lan đột biến online” lan truyền tin những loại lan đột biến từng được giao dịch vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng sốt giá trở lại.
Kèm theo đó là thông tin “giữ được lan sẽ thắng lớn” và hình ảnh các túi tiền to, thông tin sắp có giao dịch khủng giống như năm 2020 - thời hoàng kim của lan đột biến với các cuộc chuyển nhượng bạc tỷ.
Song một số người chơi lan đột biến ngay lập tức cảnh báo đây chỉ là chiêu trò đẩy giá tạo cơn sốt ảo để “lùa gà”. Cần cảnh giác, bởi trước đó có người đã đổ tiền tỷ vào buôn lan đột biến đến khi sập giá rồi mất trắng.
Ông H - người chơi lan đột biến có tiếng ở Hà Nội - thừa nhận lan đột biến trước có giá siêu đắt đỏ là vì hàng hiếm, nguồn giống chưa có. Cả thị trường có khi chỉ có một chậu duy nhất. Cung ít cầu lại nhiều, giá bị đẩy lên cao tạo ra những cơn sốt ảo.
Nhưng lan đột biến lại khá dễ nhân giống. Nhà vườn chỉ cần cắt kie là có thể nhân thành những cây lan con chỉ sau thời gian ngắn. Khi nguồn cung trên thị trường dồi dào, giá sẽ hạ nhiệt. Đây cũng là lý do lan đột biến giá ngày càng rẻ.