Bản tin Tiêu dùng: Tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch giúp mở ra thị trường mới với nhiều tiềm năng về ngành nuôi yến, ổn định đầu ra.

Giá vú sữa tím đầu mùa tăng vọt

Bản tin Tiêu dùng: Tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 1

Vú sữa tím đang vào chính vụ, có giá bán tại các chợ truyền thống và cửa hàng trái cây dao động 90.000-100.000 đồng một kg (loại 1), tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, hàng loại 2,3, có giá 40.000-50.000 đồng một kg. Không chỉ hút khách nội địa, vũ sữa tím còn được thị trường xuất khẩu ưa chuộng nên giá bán lẻ tăng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thay vì thu hoạch ồ ạt trong thời gian ngắn khiến dư cung, giá giảm mạnh, năm nay nông dân áp dụng kỹ thuật làm rải vụ để đảm bảo hàng có trong thời gian dài. Trước đây, vụ vú sữa thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1, nay kéo dài đến tháng 4 năm sau nên cung cầu ổn định, giá lên cao. Theo nhiều tiểu thương, so với năm ngoái, chất lượng hàng năm nay to, đều màu và bắt mắt hơn.

Trái cây ngoại vào Việt Nam bán giá siêu rẻ

Bản tin Tiêu dùng: Tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 2

Tại các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu, lựu nhập từ Trung Quốc hiện dao động 60.000-70.000 đồng một kg, có nơi chỉ 40.000 đồng. Hay lựu Tunisia từng là một trong những loại trái cây nhập khẩu được xếp vào phân khúc cao cấp với giá bán năm 2021 tới 250.000 đồng một kg, nay còn 35.000-50.000 đồng, tức giá hiện chỉ bằng một phần năm so với hai năm trước.

Tương tự, lê Hàn Quốc đang được bán 60.000-80.000 đồng một kg cho hàng loại 1, còn loại 2 là 30.000-40.000 đồng một kg - mức rẻ nhất từ trước tới nay.

Các loại táo nhập từ New Zealand giá bán cũng giảm mạnh mỗi ngày, hiện còn 40.000-60.000 đồng một kg. Đặc biệt, táo Envy - loại táo nhập khẩu có giá đắt đỏ nhất tại thị trường Việt Nam (không tính táo Nhật Bản) - cách đây 2-3 năm có giá 200.000-350.000 đồng một kg, nay xuống 70.000-110.000 đồng, tức giảm hơn một nửa.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân khiến giá trái cây ngoại về Việt Nam ngày càng giảm là do nguồn cung trên thị trường dồi dào, trong khi đó sức mua không mấy cải thiện.

Tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Bản tin Tiêu dùng: Tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 3

Mới đây, Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa đã nhận được giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm Yến sào Sanvinest Khánh Hòa nguyên chất sang thị trường Trung Quốc do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.

Đây là một trong những thị trường có mức tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới. Việc đưa tổ yến sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch giúp mở ra thị trường mới với nhiều tiềm năng về ngành nuôi yến, ổn định đầu ra cho ngành nghề này.

Yến sào Sanvinest Khánh Hòa đã triển khai xây dựng chuỗi hơn 300 nhà yến theo quy chuẩn, chất lượng, đảm bảo tiêu chí và sản lượng đạt 30 tấn mỗi năm, cho việc xuất khẩu sản phẩm. Cạnh đó, doanh nghiệp cũng thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm, xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc yến sào đảm bảo phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, công ty xây thêm nhà máy chế biến nguyên liệu và nhà máy nước giải khát cao cấp để nâng cao năng suất sản phẩm.

Theo đó, dự kiến, hôm 24/11, lô hàng Yến sào Sanvinest Khánh Hòa nguyên chất và các sản phẩm sau chế biến đầu tiên được doanh nghiệp trên xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch.

Sự thật về gạo Séng Cù xanh gây sốt rần rần ‘chợ mạng’

Bản tin Tiêu dùng: Tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 4

Gạo Séng Cù xanh đang gây sốt rần rần khắp “chợ mạng”, được các chị em nội trợ đua nhau đặt mua về ăn bởi màu xanh lạ mắt. Chia sẻ về màu xanh của gạo Séng Cù, chị Trương Thị Cẩm khẳng định, gạo Séng Cù chuẩn sẽ là màu trắng hoặc màu ngà. Còn gạo có màu xanh là do được nhuộm bởi nước lá dứa hoặc bột lá dứa. Nó giống như nhiều người nấu xôi ngũ sắc vẫn lấy lá dứa làm màu xanh, lá cẩm làm màu tím, quả gấc làm màu đỏ…

Bát nháo thị trường sâm Ngọc Linh

Bản tin Tiêu dùng: Tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 5

Sâm Ngọc Linh được được ví như “quốc bảo” của Việt Nam, nằm trong top những loại sâm tốt nhất thế giới. Với giá bán lên khoảng 300 triệu đồng/kg, cây dược liệu này giúp nhiều nông dân ở các vùng núi Quảng Nam, Kon Tum... thu về tiền tỷ. Thế nhưng thị trường sản phẩm này đang bát nháo.

Lợi dụng giá trị mà cây sâm Ngọc Linh mang lại, một số đối tượng đã vẽ ra các “dự án ma” để huy động nguồn vốn khủng. Không chỉ vậy, hiện nay, la liệt hàng giả, sâm Trung Quốc giá rẻ tràn vào mạo danh sâm Ngọc Linh Việt Nam. 

Dù sâm Ngọc Linh có giá tới vài trăm triệu đồng/kg nhưng trên các chợ buôn bán online, người tiêu dùng chỉ cần gõ “sâm Ngọc Linh” ngay lập tức cho ra hàng trăm kết quả về các loại sâm giá rẻ. Đa phần sâm Ngọc Linh loại 6-7 năm tuổi trên chợ online được rao bán với giá từ 1-4 triệu đồng/kg. Mức giá này còn rẻ hơn cả giá tam thất của Việt Nam.