Bao lì xì Tết: Nghệ thuật từ những đôi tay đặc biệt hóa thành sắc màu mùa xuân

Bao lì xì không chỉ là món quà mang lời chúc may mắn, mà còn là nét đẹp trong văn hóa phong tục của người Việt Nam vào mỗi dịp Tết. Với những nét vẽ ngây thơ, trong sáng và giản dị trên bao lì xì, các em học sinh của Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội đã mang đến một mùa xuân trọn vẹn, giúp lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa về lòng nhân ái, sự sẻ chia và sức mạnh tinh thần vươn lên trong cuộc sống.

Bao lì xì được thiết kế từ tranh vẽ của học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.
Bao lì xì được thiết kế từ tranh vẽ của học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Tại một ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ em không may mắn bị khiếm khuyết, không khí Tết Nguyên Đán đã tràn ngập sự tươi vui và sáng tạo. Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, đôi tay bé nhỏ của các em học sinh vẫn miệt mài, tỉ mỉ từng nét vẽ trên trang giấy. Những bức tranh hồn nhiên ấy, đã được nhà trường cẩn thận chụp lại, khéo léo đưa vào thiết kế bao lì xì. Mỗi sản phẩm mang theo câu chuyện về sự cố gắng và những ước mơ trong sáng lan tỏa khắp mùa xuân của các em học sinh.

Dù không thể nói, không thể nghe như những bạn đồng trang lứa, thậm chí có em phải đối mặt với hội chứng tự kỷ nhưng bằng nghị lực phi thường, các em đã “tô màu cho cuộc sống” biến bao lì xì trở nên sinh động và đầy màu sắc với chủ đề đa dạng như: Trò chơi dân gian, Tết đoàn viên, đề tài du xuân, các địa danh nổi tiếng của Hà Nội…

Tranh vẽ chủ đề “Tết Đoàn viên” trước khi in trên bao lì xì.
Tranh vẽ chủ đề “Tết Đoàn viên” trước khi in trên bao lì xì.

Cô Mạc Chung Thủy - Hiệu trưởng Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, chia sẻ: “Việc hướng dẫn các em học sinh vẽ để thiết kế in trên bao lì xì là hoạt động được nhà trường triển khai từ nhiều năm nay. Chúng tôi muốn các em hiểu rằng, dù trong bất kỳ khó khăn nào, các em vẫn có thể tạo ra những điều đẹp đẽ và ý nghĩa. Những chiếc bao lì xì không chỉ là món quà Tết mà còn là niềm tự hào của các em và gia đình. Tôi hy vọng, sản phẩm này sẽ mang đến niềm vui, tình yêu thương và gắn kết cộng đồng, để các em cảm nhận được sự nỗ lực của mình luôn được mọi người trân trọng và yêu quý”.

Tranh “Trò chơi Ô ăn quan” trước và sau khi được in trên bao lì xì
Tranh “Trò chơi Ô ăn quan” trước và sau khi được in trên bao lì xì.

Tại phòng học nghề mang tên Bồ Công Anh, các em học sinh vẫn miệt mài, say sưa bên tác phẩm của mình. Từng nét bút chì chuyển động mềm mại, uyển chuyển, các em đã tạo ra những nét phác thảo cơ bản đầu tiên, sau đó đến các họa tiết và chi tiết phụ. Có lẽ, công đoạn đòi hỏi sự kỳ công và sáng tạo chính là bước pha màu và tô màu. Các em phải phải pha màu sao cho hài hòa, tươi sáng. Mỗi ngày cố gắng nỗ lực hơn, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các em đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.

Trong quá trình hướng dẫn các em học sinh, thầy Trịnh Thanh Tùng - Giáo viên dạy vẽ, đã chia sẻ những khó khăn mà cả thầy và trò phải đối mặt. Thầy cho biết: "Việc giao tiếp với các em không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi các em gặp khó khăn trong việc biểu đạt cảm xúc qua ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng thông qua cách các em thể hiện màu sắc trên bức tranh để hiểu được tâm trạng và suy nghĩ của các em. Khi vui vẻ, tích cực các em sẽ vẽ nhanh hơn, màu sắc tươi sáng hơn. Ngược lại, khi tâm trạng không vui, các em sẽ thể hiện màu sắc tối hơn và nét vẽ không mềm mại. Từ đó, tôi điều chỉnh lại phương pháp giảng dạy để phù hợp với tâm trạng của từng em. Có khi phải mất một tuần các em mới xong một tác phẩm”.

Vẽ không chỉ là một môn học để phát triển tư duy của các em, mà thông qua hoạt động này các em hiểu rõ hơn về văn hóa của Việt Nam. Em Ngô Minh Đức, tác giả của bức tranh “Trò chơi dân gian kéo co” chia sẻ qua ngôn ngữ ký hiệu: “Em cảm thấy rất vui khi được vẽ những hình ảnh về Tết trên bao lì xì. Kéo co là một trò chơi dân gian mang bản sắc văn hóa của người Việt Nam ta, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội đầu xuân. Thông qua bức tranh này, em mong rằng tất cả mọi người sẽ luôn khỏe mạnh, vui vẻ, bình an, hạnh phúc và sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau”.

Bao lì xì Tết: Nghệ thuật từ những đôi tay đặc biệt  hóa thành sắc màu mùa xuân - Ảnh 1
Bao lì xì Tết: Nghệ thuật từ những đôi tay đặc biệt  hóa thành sắc màu mùa xuân - Ảnh 2
Các em học sinh say sưa vẽ tác phẩm của mình.
Các em học sinh say sưa vẽ tác phẩm của mình.

Những chiếc bao lì xì của các em học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội hiện đang được quảng bá rộng rãi tại các hội chợ xúc tiến thương mại để lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa.

Không ai có quyền chọn nơi mình sinh ra, cũng không thể quyết định hình hài mình sẽ có. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách đối mặt với thử thách, vượt qua khó khăn và biến chúng thành động lực để tạo ra những điều tốt đẹp nhất. Em Đỗ Lê Hiên – Học sinh Lớp kỹ năng sống chia sẻ qua ngôn ngữ ký hiệu: “Nhân dịp Tết Nguyên Đán, em xin chúc mọi người năm mới khỏe mạnh, bình an, may mắn và hạnh phúc. Chúc các bạn luôn mạnh mẽ, trưởng thành, luôn giữ vững niềm tin để hướng về một tương lai tươi đẹp”.

Tranh vẽ chủ đề “Trò chơi dân gian” – Chủ đề chính trên bao lì xì Xuân Ất Tỵ 2025.
Tranh vẽ chủ đề “Trò chơi dân gian” – Chủ đề chính trên bao lì xì Xuân Ất Tỵ 2025.
Mẫu bao lì xì với chủ đề “Trò chơi dân gian”
Mẫu bao lì xì với chủ đề “Trò chơi dân gian”.
Bức tranh “Trò chơi dân gian kéo co” của em Ngô Minh Đức in trên bao lì xì.
Bức tranh “Trò chơi dân gian kéo co” của em Ngô Minh Đức in trên bao lì xì.
Hoạt động của nhà trường và các em học sinh
Hoạt động của nhà trường và các em học sinh.

Với những trái tim bé nhỏ nhưng tràn đầy ước mơ và tình yêu thương, dù các em đang sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đang trải qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất ra sao. Nhưng, chúng ta có thể tin rằng, bằng chính nghị lực phi thường của mình, các em sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Các em sẽ mang tình yêu thương trong trái tim mình lan tỏa ra cộng đồng, để một Việt Nam luôn đoàn kết, bình đẳng và giàu mạnh.

Nguyễn Thêu

Từ khóa: