Nghiên cứu nhằm bảo tồn trà Mã Dọ
Ban đầu, nhóm nghiên cứu đã di thực ba cây trà Mã Dọ từ rừng về vườn ươm để trồng và nghiên cứu. Họ tiến hành chọn các cành khỏe để giâm hom, nhưng kết quả không đạt được như kỳ vọng. Trước thách thức đó, nhóm quyết định chuyển sang phương pháp nuôi cấy mô in vitro nhằm phục tráng cây trà Mã Dọ.
Vào tháng 12/2022, sau gần một năm nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm đã thành công trong việc nhân giống in vitro với 10.000 cây trà Mã Dọ. Các cây này được đưa ra vườn ươm và trồng thực nghiệm tại xã An Xuân (huyện Tuy An) và xã Xuân Hải (TX Sông Cầu). Đồng thời, nhóm tiếp tục ươm tạo hàng ngàn mẫu mô phôi cây trà để chuyển giao cho ngành Nông nghiệp và người dân có nhu cầu. Ngoài ra, họ đã xây dựng quy trình thu hoạch trà búp tươi, sản xuất và chế biến trà Mã Dọ thành sản phẩm thương mại.
Ông Võ Đình Phiên, một người dân tại xã Xuân Hải, chia sẻ: “Hằng năm, vào tiết lập xuân, người dân thường lên đỉnh Cù Mông hái trà Mã Dọ về nấu uống hoặc sấy khô, ngâm rượu để bán. Tuy nhiên, trước đây không ai quan tâm đến việc bảo tồn loài cây này, nên chỉ còn lại rất ít cây trong rừng. Nhờ có TS Như và nhóm nghiên cứu, cây trà Mã Dọ đã được phục tráng. Tôi cũng được hướng dẫn cách trồng và chăm sóc loài cây này. Tôi hy vọng sau khi đề tài nghiệm thu, quy trình trồng và sản xuất trà sẽ sớm được chuyển giao để người dân chúng tôi phát triển kinh tế.”
Theo TS Văn Thị Phương Như, đề tài nghiên cứu đã hoàn thành với nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhóm nghiên cứu đã làm chủ quy trình nhân giống, chăm sóc, thu hoạch và chế biến trà Mã Dọ đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Thành công của đề tài không chỉ giúp bổ sung thông tin về đặc điểm thực vật học của cây trà Mã Dọ mà còn tạo cơ sở dữ liệu quan trọng về khả năng thích nghi của loài cây này tại TX Sông Cầu. Đây sẽ là nền tảng để định hướng bảo tồn và phát triển cây trà Mã Dọ trong tương lai,” TS Văn Thị Phương Như khẳng định.
Nhân rộng diện tích trà Mã Dọ
Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh đã nghiệm thu thành công đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây trà Mã Dọ tại TX Sông Cầu.” Các thành viên hội đồng đánh giá cao kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu, đặc biệt là những bước tiến trong việc phục tráng, bảo tồn, nhân giống và trồng thực nghiệm cây trà Mã Dọ. Đồng thời, quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm từ loài trà quý này cũng được xây dựng, mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển kinh tế từ giống trà đặc hữu.
Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, ông Lâm Duy Dũng, nhấn mạnh rằng trà Mã Dọ mang hương vị và giá trị đặc biệt nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của TX Sông Cầu. Loại trà này có hàm lượng tannin và hoạt chất chống oxy hóa cao, màu sắc đỏ như hồng trà nhưng với hương vị độc đáo, chút mặn mòi từ gió biển, rất tốt cho sức khỏe.
Ông Dũng cho rằng mục tiêu của đề tài là bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây trà Mã Dọ, gắn với du lịch sinh thái. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người sản xuất trà mà còn nâng cao giá trị kinh tế của địa phương. Ông kỳ vọng việc mở rộng diện tích trồng tập trung, áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại, sẽ mang lại hiệu quả cao và mong nhóm nghiên cứu sớm chuyển giao quy trình để nhân rộng mô hình.
Giám đốc Sở KH&CN, ông Dương Bình Phú, cho biết đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và được đánh giá cao nhờ tính thực tiễn. Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trà Mã Dọ không chỉ giúp bảo tồn loài cây này mà còn thúc đẩy việc khai thác, phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Dựa trên những kết quả này, Sở KH&CN sẽ đề xuất UBND tỉnh triển khai dự án trồng trà Mã Dọ tại TX Sông Cầu và mở rộng diện tích sang các khu vực khác như huyện Đồng Xuân và Tuy An. Đồng thời, các cấp ngành liên quan sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm OCOP cho trà Mã Dọ, góp phần quảng bá sản phẩm này trên thị trường trong thời gian tới.