Biến động thị trường kinh doanh các mặt hàng ngày Tết

Những ngày cuối cùng trong năm 2020, tại các siêu thị, trung tâm thương mại các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Dương lịch 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu đến thời điểm này đã được các đơn vị sản xuất, kinh doanh chuẩn bị đầy đủ, giá cả được bình ổn, không có sự tăng giá, người dân không cần tích trữ hàng hóa. Danh mục hàng khuyến mãi cũng dài ra, phân bổ ở nhiều nhóm sản phẩm cho người tiêu dùng dễ mua sắm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP. Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Tại siêu thị BigC Thăng Long - Hà Nội, nhóm sản phẩm đang được khuyến mãi nhiều nhất là các mặt hàng phục vụ Tết dương lịch như quà tặng, sô-cô-la, thực phẩm chế biến, đồ trang trí. Theo Đại diện BigC Thăng Long, siêu thị đã chính thức bước vào mùa kinh doanh Tết, chúng tôi đã dự trữ rất nhiều các mặt hàng thiết yếu, có thể kể đến: bia, nước ngọt, mứt hạt, thịt heo, trái cây trong ước, trái cây nhập khẩu, thịt gia cầm, hải sản, trứng... và quần áo, những mặt hàng đồ dùng, hóa phẩm. Lượng hàng chuẩn bị này đủ để phục vụ nhu cầu mua sắm của bình quân 6.000 lượt khách/ngày, cao điểm những ngày cận Tết có thể lên đến 15.000 - 20.000 khách.

Biến động thị trường kinh doanh các mặt hàng ngày Tết - Ảnh 1

Theo khảo sát, một số nhà bán lẻ lớn trong nước nêu dự báo thị trường Tết năm nay sẽ gặp khó khăn do khách hàng cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá cả thị trường vì vậy sẽ không có nhiều biến động. Để giữ ổn định thị trường và kích thích khách hàng mua sắm, các nhà bán lẻ lớn cam kết thực hiện đúng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; giữ ổn định giá 3 tháng trước, trong và sau Tết.

Để tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm thuận tiện hơn, hạn chế tụ tập đông người trong cùng thời điểm, nhà bán lẻ thuần Việt đã phát triển thêm mạng lưới bán hàng Tết, tăng cường liên kết với các đối tác như Grab, Baemin, Now, Sen Đỏ… để bán hàng online, tăng độ phủ hàng Tết. Triển khai thêm nhiều tiện ích cho khách hàng như giao hàng tận nơi, cung cấp dịch vụ mâm cỗ gia tiên, mâm ngũ quả…

Không chỉ chuẩn bị lượng hàng dồi dào, đủ cung ứng cho thị trường trong mọi tình huống mà các siêu thị, cửa hàng trực thuộc BigC còn cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát chất lượng tại 3 giai đoạn: khảo sát nhà cung cấp, kiểm soát hàng hóa đầu vào tại trung tâm phân phối, kiểm soát chất lượng hàng hóa trưng bày - kinh doanh. Nhà bán lẻ này đã cải tiến phương pháp quản lý chất lượng, áp dụng các công nghệ - ứng dụng - tiêu chuẩn hiện đại nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Riêng trong 3 tháng kinh doanh Tết, tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 - 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm.

Cùng với sự chuẩn bị kỹ càng về lượng hàng hoá cho dịp Tết thì công tác quản lý thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng được đẩy mạnh.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT ngày 24/11/2020 về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian triển khai từ ngày 25/11/2020- 25/02/2021.

Trong đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, trong đó tập trung kiểm tra chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…

Thanh Phong