Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết. Phó Thống đốc cho hay, việc hạn chế in tiền lẻ mới dịp Tết giúp ngân sách tiết kiệm 3.500 tỷ đồng trong các năm gần đây. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của mọi người lại tăng cao. Người đổi tiền lẻ, tiền mới để đi lễ, người đổi tiền lẻ để lì xì năm mới cho may mắn. Bất chấp các quy định của Nhà nước, dịch vụ này được đăng tải công khai, thậm chí chạy quảng cáo trên mạng. Đặc biệt, mọi người thường có nhu cầu đổi tiền 1.000 đ, 2.000 đ, 5.000 đ, 10.000 đ và 20.000 đ. Tuỳ theo mỗi mệnh giá khác nhau, phí đổi tiền lẻ cũng khác nhau.
Trên mạng xã hội Facebook, hoạt động này lại càng sôi động hơn với đủ mọi phương thức. Chỉ cần 1 cú nhấp chuột và đánh từ khóa “đổi tiền lì xì”, ngay lập tức hiện lên hàng trăm trang đổi tiền lẻ, với các tên như: “Đổi tiền mới nguyên series”, “Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới”, “Đổi tiền lì xì Tết phí chỉ 3%”, “Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì”…
Theo quảng cáo của giới "buôn tiền", khách chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Hơn nữa, "thượng đế" chỉ cần ngồi ở nhà, bấm điện thoại là nhân viên sẽ đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.
Theo ghi nhận, phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.
Cũng do tiền mới khan hiếm, nên một số địa chỉ nhận đổi cả “tiền lướt” với độ mới đạt 80-90%. Đổi loại tiền này mức phí thấp hơn tiền mới.
"Tiền lướt đa phần đến từ nguồn phúng, viếng của người dân ở các đền, miếu, đình, chùa, sau đó có dịp quay ngược ra thị trường. Còn tiền mới chủ yếu đến từ các suất trong ngân hàng và những mối quan hệ quen biết", anh Long - người có “thâm niên” trong nghề đổi tiền cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần. Theo luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội), pháp luật hiện hành quy định, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá… sẽ bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Thanh Phong