Bức tranh thay đổi của ngành chè qua các năm

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn lại những năm trước của ngành chè để so sánh sự thay đổi có tính bứt phá này.

Bức tranh thay đổi của ngành chè qua các năm - Ảnh 1

Ở Việt Nam cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Tính đến năm 2020, cả nước có 34 tỉnh, thành trồng chè, với diện tích hơn 130 nghìn ha. So sánh với năm 2014, cả nước có khoảng 125 nghìn ha đất trồng chè. Trong đó, diện tích chè cho thu hoạch là 113 nghìn ha, năng suất bình quân đạt tám tấn búp tươi/ha. Diện tích trồng chè tăng theo từng năm, chất lượng và sản lượng cũng được cải thiện rõ rệt.

Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)...

Hiện nay, Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Trong đó, chè shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… với khoảng trên 24% tổng diện tích trồng chè cả nước.

Theo đánh giá, những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2019 sản lượng chè đạt mức tăng kỷ lục với trên 1018 nghìn tấn, tăng 2,4% so với năm 2018. Năng suất chè năm 2019 đạt 94,8 tạ/ha (năng suất chè đạt cao nhất từ trước đến nay), cao hơn so với năm 2018 là 4,4 tạ/ha. Khối lượng xuất khẩu năm 2019 đạt 137,1 nghìn tấn, giá trị 236,4 triệu USD. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2019 ước đạt 1.730 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2018.

Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam là Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Indonesia… Trong đó, thị trường Trung Quốc, chiếm 12-15% khối lượng chè xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, được đảm bảo sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng và được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè sang Nga đạt 6,1 nghìn tấn, tương đương 9,3 triệu USD, tăng 11,6% về khối lượng và tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; tương tự, xuất khẩu chè sang Indonesia đạt 5,1 nghìn tấn, tương đương 4,5 triệu USD, tăng 36,7% về khối lượng và tăng 29,4% về giá trị; xuất khẩu chè sang Mỹ đạt 2,4 nghìn tấn, tương đương 3 triệu USD, tăng 15,1% về khối lượng và tăng 17% về giá trị. Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Hiệp hội chè Việt Nam, sản xuất chè 11 tháng năm 2020 đạt 175 nghìn tấn, ước cả năm đạt 180 nghìn tấn, giảm khoảng 5.000 tấn so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2020 đạt 201 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Năm 2020 mặc dù phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, song chè là một trong những sản phẩm duy trì được sản xuất, không bị đứt gãy trong quá trình xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu chè của Việt Nam sang nhiều thị trường chính được đảm bảo ổn định

Mặc dù năng suất và sản lượng chè liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng quá trình phát triển ngành chè ở nước ta vẫn còn một số bất cập hạn chế khả năng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

A. Hoài