Bức tranh tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 của nước ta hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; áp lực lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Nhờ đó, kinh tế – xã hội nước ta trong 7 tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. Một số điểm sáng về tình hình kinh tế – xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2022 của nước ta như sau:

Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi phát triển ổn định; khai thác gỗ đạt khánuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng cao do giá cá tra, tôm xuất khẩu tăng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính tổng số bò của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Bảy năm 2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số lợn tăng khoảng 4,8%; tổng số gia cầm tăng 1,6%. Sản lượng gỗ khai thác 7 tháng ước đạt 10.165,2 nghìn m3, tăng 5,9%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng 2022 ước đạt 2.730,6 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp đã lấy đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 tăng mức cao trong sáu tháng liên tiếp, ước tăng 11,2%. Chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tháng 7/2022 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022 tăng 9,7%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Tốc độ tăng IIP 7 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số ngành công nghiệp trọng điểm (%) - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tốc độ tăng IIP 7 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số ngành công nghiệp trọng điểm (%) - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, có mức tăng trưởng khá so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy năm 2022 ước đạt 486 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,3%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng các năm 2018-2022 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng các năm 2018-2022 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Vận chuyển hành khách tháng 7/2022 gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 79% về vận chuyển và tăng 64,3% về luân chuyển. Tính chung 7 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hành khách tăng 37,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 16,1% và luân chuyển hàng hóa tăng 22,9%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Bảy đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Bảy ước đạt 60,63 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 764 triệu USD.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2022 là 89,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký 621 nghìn lao động, tăng 17,9% về số doanh nghiệp và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tham gia thị trường 7 tháng đầu năm 2022 đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8/% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7%.

Vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính tăng 11,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 đạt 11,6 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 7 tháng các năm 2018-2022, tạo năng lực mới quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng các năm 2018-2022 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng các năm 2018-2022 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,64% của bình quân 7 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 7 tháng các năm 2018-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 1,44%.

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 7 và 7 tháng các năm 2018-2022 (%) - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 7 và 7 tháng các năm 2018-2022 (%) - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 344.070 người lao động tại 3.936 doanh nghiệp.