Thị trường TPCP sơ cấp
Theo bản tin thị trường trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần từ 11/1 đến 15/1/2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn: 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm. Khối lượng gọi thầu cho 4 loại kỳ hạn trên lần lượt ở mức 2.000 tỷ, 2.000 tỷ, 1.000 tỷ và 1.000 tỷ đồng.
Kết quả: Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 10 năm bằng 5,35 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 2,25% - giảm 0,03% so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 15 năm bằng 4,05 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 2,48% - giảm 0,02% so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 20 năm gấp 2,5 giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 2,89% - không đổi so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 30 năm gấp 2,57 giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 3,1% - giảm 0,04% so với lần trúng thầu gần nhất.
Dự báo các phiên đấu thầu trong thời gian tới: Trong tuần này, dự kiến KBNN sẽ gọi thầu 7.000 tỷ đồng tại 4 kỳ hạn: 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Trong năm 2021, BVSC cho rằng lãi suất trúng thầu TPCP có thể duy trì xu hướng tăng nhưng mức tăng sẽ không quá lớn (dưới 1%/năm). Với việc Covid-19 có thể còn ảnh hưởng tới kinh tế ít nhất trong nửa đầu năm nay, NHNN nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất một cách quá đột ngột mà sẽ nâng dần theo từng giai đoạn để tránh gây sốc cho toàn nền kinh tế. Điều này được thực hiện dựa trên nền lạm phát năm 2021 duy trì ở quanh mức 3%. Theo đó, KBNN có thể sẽ tiếp tục huy động được nguồn vốn với chi phí thấp.
BVSC cho rằng KBNN sẽ duy trì lượng phát hành TPCP lớn trong năm 2021, tập trung vào các kỳ hạn dài (trên 10 năm) để có nguồn chi trả các khoản nợ đến hạn và bù đắp cho bội chi ngân sách.
Thị trường TPCP thứ cấp
Trong tuần đầu tiên của năm mới, tổng GTGD Outright đạt 51.578 tỷ đồng, tăng 8,29% so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch Repos đạt mức 21.347 tỷ đồng (tăng 16,36%). Tổng GTGD trên thị trường thứ cấp tiếp tục có diễn biến tăng trong những tuần đầu tiên của năm 2021.
Cũng trong tuần qua, khối ngoại thực hiện mua ròng trong tuần qua, với tổng khối lượng 1.316 tỷ đồng. Cụ thể, đã có 2.138 tỷ đồng được mua vào, trong khi 822 tỷ đồng bị bán ra.
Lợi suất trên thị trường thứ cấp trong tuần qua có diễn biến giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm với mức giảm lần lượt là 0,25%; 0,39%; 0,19%; 0,17% và 0,08%.
Trong tuần qua, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Indonesia có diễn biến tăng, ở mức 0,04%. Ngược lại, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Malaysia giảm 0,03%. Trong khi đó, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc tiếp tục giữ nguyên lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm so với tuần trước đó.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo các số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tổng giá trị đăng ký và phát hành của TPDN tiếp tục đà tăng trong tháng 12. Cụ thể, giá trị đăng ký trong tháng 12 đạt 75.351 tỷ đồng (tăng trên 3 lần so với tháng 11), trong khi giá trị phát hành đạt 34.471 tỷ đồng (tăng 224%). Về tỷ trọng, theo số liệu thống kê của Fiin Group, Nhóm Ngân hàng tiếp tục duy trì là nhóm có tổng giá trị phát hành lớn nhất trong tháng 12, đạt 20.255 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,54 trong tổng giá trị phát hành. Theo sau là ngành ất động sản, chiếm 11,19%, tại mức 4.977 tỷ đồng và ngành Điện, nước & xăng dầu khí đốt, chiếm 10,77%, tại mức 4.790 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2020, tổng giá trị phát hành TPDN đạt trên 430.000 tỷ đồng (theo số liệu của Fiin Group). Trong đó, nhóm bất động sản, mặc dù có tỷ trọng phát hành sụt giảm trong 04 tháng gần đây vẫn là nhóm có tổng giá trị phát hành TPDN lớn nhất, chiếm hơn 34 tổng giá trị phát hành, với lãi suất trung bình 10,53%. Tiếp sau đó là ngành Ngân hàng (chiếm trên 28%) với lãi suất trung bình 6,69%, thấp hơn so với mức 7,06% của năm 2019. Ngành Điện, nước, xăng dầu, khí đốt chiếm gần 8% tổng giá trị phát hành TPDN trong năm 2020, với lãi suất trung bình 10,5%, tăng nhẹ so với năm 2019 (10,2%). Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trung bình trong năm 2020 tiếp tục duy trì quanh mức 9,3%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (8,84% năm 2019). Các doanh nghiệp có lượng huy động lớn thông qua kênh trái phiếu trong năm vừa qua bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (trên 22 nghìn tỷ đồng), Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (xấp xỉ 19 nghìn tỷ đồng), Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico (18 nghìn tỷ đồng) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần uốc tế Việt Nam (trên 14 nghìn tỷ đồng).
Đối với năm 2021, BVSC dự báo lượng TPDN phát hành mới sẽ giảm so với tổng khối lượng phát hành năm 2020. Vào ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường nước ngoài, thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Điểm nổi bật nhất của Nghị định 153 là “nới lỏng” các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ hơn so với Nghị định 81. Do vậy, BVSC kỳ vọng lượng phát hành TPDN sẽ khởi sắc hơn trong năm 2021 (so với tháng cuối năm 2020).
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tú Thành