Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật về thị trường trái phiếu Châu Á.
Theo đó, khẩu vị cho trái phiếu châu Á trong những năm gần đây một phần được giải thích bởi vị thế tương đối mạnh hiện tại của khu vực châu Á, thâm hụt tài khóa thấp hơn và lợi suất tốt hơn so với các khu vực/quốc gia khác.
Các nước châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, đã trải qua sự sụt giảm lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn trong năm 2020. Indonesia và Philippines có mức giảm mạnh nhất trên 180 điểm cơ bản. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các quốc gia là đáng kể khi Indonesia và Trung Quốc có mức lợi suất cao hơn so với các nước khác trong khu vực, lần lượt là 4,9% và 2,7%.
Indonesia có lợi suất kỳ hạn 10 năm cao nhất tại châu Á và tại hầu hết thị trường phát triển với mức chênh lệch so với vài quốc gia cao hơn đáng kể với 500 điểm cơ bản. Tuy nhiên, chênh lệch này tại một số thị trường đã giảm đáng kể trong sáu tháng qua, cho thấy các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng một thời kỳ lợi suất cao hơn Indonesia tại các thị trường phát triển và một số thị trường mới nổi. Việt Nam có mức chênh lệch lợi suất 10 năm so với Indonesia giảm 122 điểm cơ bản trong sáu tháng qua.
Trong nhóm G-10, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức ở mức thấp nhất -0,62% và đã tăng lên 0,85% vào tháng 3, điều này giải thích cho sự chênh lệch lớn so với Indonesia. Theo Hình 2, lợi suất trái phiếu của Indonesia đã giảm đáng kể từ 8,0% vào tháng 4 năm 2020 xuống dưới 6,0% vào cuối tháng 12. Mặt khác, diễn biến lợi suất trái phiếu Đức vẫn tiêu cực trong cả năm.
Trong các loại trái phiếu khác nhau, trái phiếu chuyển đổi vượt trội hơn các loại tài sản khác trong ba năm qua, đặc biệt là trái phiếu Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, độ biến động lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, trong 10 năm qua không thay đổi nhiều, thường dưới 0,05 (Biến động lợi suất được tính bằng độ lệch chuẩn của lợi suất hàng ngày thay đổi trong vòng 21 ngày giao dịch (theo tháng). Biến động lợi suất là chỉ số cho thấy rủi ro phát sinh từ biến động của lãi suất). Độ biến động cao cho thấy ít khả năng dự đoán hơn về chuyển động hàng ngày của lợi suất trái phiếu. Độ biến động gần với 0 cho thấy lợi suất trái phiếu hàng ngày tập trung ở mức lợi suất trung bình, điều này ngụ ý rằng lợi suất tương đối ổn định trong thời gian theo dõi. Nếu lợi suất đã ở mức thấp, biến động sẽ gia tăng, khiến giá trái phiếu khó dự đoán hơn.
Kể từ năm 2019, đã có vài sự biến động về lợi suất tăng đột biến do các sự kiện vĩ mô và địa chính trị. Độ biến động lãi suất đã tăng lên 0,08 vào tháng 12 từ mức thấp 0,05 trong Q1-Q2.
Tạ Thành