Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Chương trình khung kế hoạch năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có 2 tuần dự phòng. Theo đó, trong mỗi học kỳ các trường có 1 tuần dự phòng khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, khi xảy ra “bão chồng bão, lũ chồng lũ” và học sinh phải nghỉ dài quá quỹ thời gian dự phòng thì các trường sẽ phải xây dựng phương án dạy bù trong năm học để hoàn thành chương trình.
Với những tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, học sinh đã nghỉ học dài ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang theo dõi sát tình hình. Các địa phương phải căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cho phù hợp. Chương trình hiện hành được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày, do đó, các trường vẫn có thời gian 1 buổi trong ngày để dạy bù. Tuy nhiên, kế hoạch dạy bù cần phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ.
Các trường cần vận dụng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ trong lớp học mà có thể thực hiện cả ngoài giờ lên lớp, trong phòng thí nghiệm, làm dự án học tập; tổ chức dạy học trực tuyến như thời kỳ nghỉ học do dịch COVID-19.
Trên thực tế các địa phương như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đã chủ động ra văn bản hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học để hoàn thành chương trình cũng như đảm bảo chất lượng dạy và học.
Việt Hà
Theo Báo Tin tức/TTXVN