Các dòng trà phổ biến 

Trà được chế biến từ cây Camellia Sinensis, nhưng loại cây này lại có đến 9 giống khác nhau. Từ một cây trà, người ta có thể làm ra nhiều loại trà khác nhau dựa trên quá trình lên men (mức độ oxy hóa lá trà). Mức độ lên men từ 0% đến 100% tạo nên sự đa dạng về hương vị khác nhau, từ đó hình thành nên sự đa dạng về chủng loại và tên gọi.

Trà xanh

Các dòng trà phổ biến  - Ảnh 1

Trà xanh (lục trà) là loại trà không trải qua quá trình oxy hóa như trà đen và trà oolong. Trà xanh có nhiều hình dạng khác nhau: lá dài nhọn, lá dẹp, vo xoăn, màu sắc thường là màu xanh xám, xanh đen, xanh nhạt hơi vàng nhưng khi pha nào nước lá trà cho màu xanh lục tươi sáng đẹp mắt, nước trà cũng có màu xanh hoặc xanh vàng, vị tươi hơi chát.

Trà xanh là loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam, trở thành văn hóa ẩm thực đặc trưng và cũng là loại được nhiều thế hệ yêu thích. Tiêu biểu nhất của trà xanh Việt Nam chính là trà Thái Nguyên (trà Bắc, trà Bắc Thái, trà móc câu, trà nõn tôm). Trong các loại trà thì trà xanh thuộc hàng phổ biến nhất, với công dụng đặc biệt tốt cho cơ thể đã được khoa học chứng minh. Trà xanh có vị chát tương đối êm dịu, để lại hậu ngọt dễ chịu. Nước trà màu xanh nhẹ hoặc hơi vàng. Trà xanh tốt cho việc giảm béo và thanh nhiệt cơ thể.

Trà ô long

Các dòng trà phổ biến  - Ảnh 2

Trà ô long được gọi chung nhóm “thanh trà” là một nhóm lớn những loại trà được lên men khoảng từ 20% đến 80%. Mức độ oxy hóa này phản ánh qua màu lá trà cũng như màu nước trà pha từ xanh sang vàng, hổ phách, nâu đỏ

Loại trà này ngày nay rất được ưa chuộng bởi có sự đa dạng về hương vị. Trà trở nên ngọt ngào hơn hẳn so với trà xanh, vị chát rất mềm mại. Nó có thể có hương giống gỗ, hạt dẻ, hương hoa hoặc trái cây, hương mật ong…rất hấp dẫn

Trà ô long thường có dạng viên tròn nhỏ, có đuôi lá lộ ra một chút trông như con rồng đen (ô long). Đây là loại trà lên men bán phần, mức độ dao động từ 20 đến khoảng 90% nên có vị rất đặc biệt. Tuy vào vùng sản xuất, mức độ oxy hóa mà vị trà, nước trà có thể khác biệt. Nhưng về cơ bản, trà ô long thiên về thanh nhẹ, màu trà trong, hơi vàng. Trà Oolong rất được ưa chuộng tại Đài Loan, Nhật Bản.

Trà đen (Hồng trà)

Các dòng trà phổ biến  - Ảnh 3

​Trà đen (Hồng Trà/ trà ô long đặc biệt) còn được gọi là trà đỏ “red tea”. Lá trà được oxy hóa hoàn toàn nên trà thành phẩm có màu đen, thơm nồng, nước trà pha ra có màu đỏ nâu, vị mạnh hơn các loại trà khác. Trong khi trà xanh chỉ giữ được hương trong vòng 1 năm thì trà đen vẫn giữ được hương thơm của nó trong nhiều năm. Đó là nguyên nhân ngày xưa Trung Quốc buôn bán trà đen khắp nơi sang Mông Cổ, Âu Châu theo con đường Tơ Lụa.

Trà đen cũng được làm từ cùng loại lá với trà xanh nhưng lá trà được lên men gần 100%, nhờ đó lá trà có màu nâu đen, nước trà nâu đỏ sáng óng rất đẹp. Trà đen có vị khá nồng nàn và đậm đà, vị chát vẫn dịu nhưng sâu hơn. Uống một ly trà đen bạn sẽ có cảm giác khoan khoái, tỉnh táo ngay lập tức. Trà đen rất được ưa chuộng tại phương Tây và được sử dụng rất nhiều trong pha chế.

Trà trắng (Bạch trà)

 

Các dòng trà phổ biến  - Ảnh 4

 

Trà trắng là loại trà hoàn toàn được làm bằng búp non từ giống trà lá to trồng ở vùng núi cao, nhiệt độ thấp. Vùng trà cổ thụ Tây Bắc là điều kiện thích hợp để làm trà trắng.

Gọi là trà trắng vì có lớp lông mao bao phủ trên búp trà, màu trắng tinh khôi, đẹp mắt. Nước trà màu vàng nhạt, rất trong, vị trà và hương thơm tinh tế. Vì chỉ lấy búp trà để chế biến nên thành phần dược chất quan trọng trong trà rất cao, giá trà thành phẩm cũng đắt hơn so với các loại trà khác (một lạng trà khô phải hái rất nhiều búp trà mới có được).

Trà trắng có quy trình chế biến tối giản nhất trong các loại trà, chỉ đơn giản là làm héo và hong khô. Mục đích của việc hạn chế gia công là để giữ lại hình thức trắng muốt của bạch trà, việc sử dụng nhiệt độ cao có thể làm cháy các mao trà vốn nhạy cảm.

Ngày nay, bạch trà có thể được làm thủ công bằng cách hong khô ngoài nắng. Cách làm này cần nhiều thời gian nên búp trà có xảy ra tình trạng lên men từ 10-20%, nước trà sẽ vàng hơn

Trà Phổ Nhĩ

 

Các dòng trà phổ biến  - Ảnh 5

 

​Trà Phổ Nhĩ là loại trà được đóng thành dạng bánh, được làm từ lá của những cây trà cổ thụ hay mọc ở vùng núi Tây Bắc và Vân Nam Trung Quốc. Phổ Nhĩ là tên một thị trấn, nơi trung tâm giao thương của những người buôn trà, từ đây trà được vận chuyển đi khắp nơi, từ các tỉnh nội địa, sang Tây Tạng, Châu Âu, Việt Nam, Miến Điện…

Trà Phổ Nhì thường được ép thành các dạng khối, phổ biến là dạng bánh và dạng viên. Nước trà pha có màu đỏ hoặc nâu đen, mùi gỗ mục, mùi đất, vị mịn màng, trên bề mặt thường có lớp màng mỏng như giọt dầu. Khác với những loại trà khác phải uống nhanh, Phổ Nhĩ càng để lâu càng có hương vị thơm ngon. Có 2 loại trà Phổ Nhĩ là Phổ Nhĩ sống và Phổ Nhĩ chín.

Trà bá tước

 

Các dòng trà phổ biến  - Ảnh 6

 

Trà Bá Tước là sự kết hợp giữa trà đen Ceylon với tinh dầu cam Bergamot, tươi mới, sảng khoái và độc đáo. Loại trà này rất phổ biến tại các nước châu Âu, đặc biệt là tại Anh, được dùng trong các bữa sáng hoặc tiệc trà chiều mỗi ngày. Bergamot là một giống chanh quả nhỏ được trồng nhiều ở vùng Địa Trung Hải. Trà Bá Tước được xem là loại trà ướp hương nổi tiếng nhất thế giới

Trà thảo mộc

 

Các dòng trà phổ biến  - Ảnh 7

 

Trà thảo mộc là tên gọi chung cho các loại trà kết hợp giữa các loại hoa lá tự nhiên, thảo mộc, thảo dược. Các nguyên liệu thường được kết hợp là hoa cúc, hoa oải hương, vỏ cam, quế, hồi, tinh dầu, gừng, bồ công anh, sả… Chúng thường được dùng như một thức uống an thần, giải nhiệt, giúp ngủ ngon. Trà thảo mộc thường có vị dịu nhẹ, ngọt thanh, không chát.

Xuân Sỹ (t/h)