Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ái quốc chân chính, là nhà tư tưởng cách mạng xuất chúng, là vị lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Người gắn liền với lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc. Người đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập tự do của đất nước, cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc, góp phần làm động lực cho cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người, khắp mọi miền trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện lòng kính yêu, biết ơn của toàn dân đối với vị lãnh tụ của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước và học tập theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới đây là một số hoạt động hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ hội Làng sen
Làng sen hay còn gọi là làng Kim Liên, là nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi Bác đã ghi dấu cả tuổi thơ mình trước khi ra Huế sinh sống. Hiện tại, Làng Sen được công nhận là di tích lịch sử, là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Hàng năm, vào ngày 19/5, người dân cả nước đều đến thăm và tham gia lễ hội Làng Sen để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với Người.
Lễ hội Làng Sen, khai mở từ “Liên hoan tiếng hát làng Sen”, là sự kiện văn hóa – xã hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước nhằm thể hiện tình yêu, nỗi nhớ và lòng biết ơn đối với Bác. Đây cũng là dịp để các đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước gặp gỡ, giao lưu và cùng nhau trình diễn những tiết mục đặc sắc.
Lễ hội Làng Sen năm 2024 được tổ chức từ ngày 8/5 đến ngày 9/6, với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, tập trung tại huyện Nam Đàn, thành phố Vinh. Theo thông tin từ ban tổ chức, các hoạt động chính sẽ diễn ra, bao gồm: Lễ dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh; diễu hành về quê Bác, lễ dâng hoa, dâng hương tại nhà Tưởng niệm Bác và đền Chung Sơn; lễ rước ảnh Bác về nhà tại Khu di tích Kim Liên ra sân vận động Làng Sen; Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen.
Sự kiện nhằm tôn vinh và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm và tâm thức của cộng đồng đối với vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già của dân tộc. Đồng thời tuyên truyền, vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng, giới thiệu và quảng bá hình ảnh con người Nghệ An với người dân trong nước và quốc tế.
Nhiều hoạt động thể thao và văn hóa cũng được tổ chức như Giải chạy marathon “Hành trình về làng Sen”, Giải bóng chuyền và giải võ cổ truyền tỉnh Nghệ An, Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh “Nghệ An – Làm theo lời Bác”, Quảng diễn đường phố “Quê hương mùa sen nở”...
Trải qua nhiều lần tổ chức, Lễ hội Làng Sen ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn. Từ đó trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5).
Theo dấu chân người
Sau sự thành công của chương trình kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác - chủ đề “Tháng năm nhớ Bác”, làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục tổ chức sự kiện kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Theo dấu chân người” diễn ra từ ngày 02 - 31/5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện cũng nhằm giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán truyền thống và là nơi giao lưu giữa các dân tộc đến từ nhiều địa phương trên cả nước.
Trong đó, chương trình "Tây Nguyên với Bác Hồ" là phần để người dân Tây Nguyên kể về tình cảm dành cho Bác và việc đồng bào học theo tấm gương đạo đức của Người. Đồng bào phía Bắc chia sẻ những câu chuyện về Bác trong các hoạt động cách mạng tại miền núi, trong khi người dân Tây Nguyên, đặc biệt là người Tà Ôi, tổ chức chương trình “Thiếu nhi về với làng đồng bào mang họ Bác” để tôn vinh tình cảm đồng bào dành cho Người và giúp du khách có cơ hội tìm hiểu các câu chuyện khác về cuộc đời Bác. Ở miền Nam, bà con thể hiện nỗi nhớ, lòng kính yêu với vị cha già của dân tộc qua lời ca và tiếng hát, đặc biệt là người Khmer Nam Bộ.
Chương trình “Bài ca dâng Bác” là nơi biểu diễn các tiết mục ca nhạc cụ, múa, diễn xướng dân gian ca ngợi Bác Hồ, thể hiện tình cảm giữa Bác và đồng bào các dân tộc Việt Nam, niềm tin của đồng bào với Đảng, cùng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng bản làng, quê hương giàu đẹp hơn.
Bên cạnh đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn trưng bày một số hiện vật từ triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” và thêm 30 ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc. Nội dung triển lãm là sự kết hợp giữa hình ảnh cùng âm thanh tạo không gian giới thiệu sống động, gần gũi tới du khách về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phim, ảnh về Bác
Phim điện ảnh “Vầng trăng thơ ấu” kể về thời niên thiếu của Bác Hồ sẽ được ra rạp vào ngày 17/5 nhân dịp 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), 113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2024), đặc biệt kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/2024). Tác phẩm do Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất và có kịch bản từng giành giải ba Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức năm 2020.
Bộ phim là hành trình cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo gia đình ra Huế sinh sống, từ năm 1895 đến năm 1901. Bộ phim không đi theo hướng “thần thánh hóa” cuộc đời của Người mà thay vào đó khắc họa hình ảnh Nguyễn Sinh Cung là một thiếu nhi hồn nhiên với những trò nghịch ngợm và tinh quái như bao đứa trẻ khác cùng độ tuổi.
Trong giai đoạn hơn 5 năm sống ở Kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ. So với quê hương xứ Nghệ, ở Huế có nhiều nhà cửa, nhiều cung điện nguy nga nhưng cũng bộc lộ rõ rệt mâu thuẫn giai cấp về lợi ích. Tầng tầng lớp lớp các hình ảnh tương phản xen kẽ nhau: Những người Pháp thống trị hách dịch, ngông nghênh, tàn ác; vua và những quan Nam triều áo gấm, hài nhung lụa là nhưng luôn khúm núm, cúi đầu trước “đám người bên kia quả địa cầu” và phần đông trong xã hội đấy lại là những người thuộc giai cấp công nhân - nông dân, phu khuân vác, kéo xe tay, người lang thang… đang ngày ngày chịu đựng số phận thống khổ, tủi nhục trước sự áp bức, bóc lột. Chính những hình ảnh ấy là hạt mầm thôi thúc chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Sinh Cung khi trưởng thành) quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Giai đoạn này đánh dấu sự trưởng thành của cậu bé Nguyễn Sinh Cung và đặt nền móng cho những quyết định lịch sử sau này.
Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim có thêm một số chi tiết hư cấu song đều dựa trên tư liệu truyền miệng để khi xem phim, khán giả sẽ cảm thấy thuyết phục. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh, Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ, vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân trọng và tốt đẹp nhất.
Với Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha. Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của nơi mà “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân đến các chiến sĩ bộ đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần.
Tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Người đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô. Đó cũng chính là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân Thủ đô trên những chặng đường cách mạng, để Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử luôn được bảo tồn và phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập.
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường… phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.