Thực chất có tới 3 loại Cam thảo khác nhau được sử dụng trong Đông Y là Cam thảo Bắc (tên khoa học là Glycyrrhiza glabra - thuộc họ Đậu - Fabaceae), Cam thảo dây (tên khoa học là Abrus precatorius L. thuộc họ: Fabaceae) Cam thảo Nam (còn gọi là Cam thảo đất, tên khoa học là Scoparia dulcis thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)).
Với Cam thảo bắc, vị thảo mộc này có nguồn gốc từ Trung Quốc và chỉ mới được trồng gần đây tại các tỉnh phía bắc nước ta. Các loại Cam thảo Bắc chế biến như Sinh Thảo, Chích thảo hay bột Cam thảo bắc đều cho sản phẩm làm nguyên liệu cho trà Cam thảo bắc được. Dưới đây là cách pha loại trà này:
Nguyên liệu: 2 đến 4 lát Cam thảo; 5 gam thảo mộc khác (ví dụ như hoa cúc, hoa nhài, đậu biếc…), 200 ml nước đun sôi.
Cách pha: Đun 220-250ml nước sôi. Trong thời gian đun nước chuẩn bị các dược liệu, rửa qua bằng nước lọc rồi đem bỏ vào bình pha trà dung tích trên 200ml. Nước sau khi đun sôi đổ trực tiếp vào bình trà trên cho ngập dược liệu rồi lắc nhẹ bỏ nước đầu đi. Đổ nốt lượng nước sôi còn lại vào bình. Đợi 4 đến 5 phút rồi thưởng thức.
Cam thảo bắc theo Đông Y là một vị thuốc có vị ngọt và tính bình. Vị thảo mộc này thường được dùng trong điều trị một số bệnh thông thường như cúm, cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên nhẹ. Cam thảo còn được dùng để long đờm, giảm ho thay cho các vị thuốc tây khác. Một số vị thuốc bắc còn dùng cam thảo để chữa viêm loét dạ dày - tá tràng - một căn bệnh đang rất phổ biến hiện nay ở nước ta, đặc biệt cam thảo bắc còn có tác dụng kháng khuẩn đối với Helicobacter pylori - nguyên nhân hàng đầu gây loét dạ dày tá tràng hiện nay. Tại châu u đã và đang thử nghiệm dùng Cam thảo Bắc trong điều trị viêm gan do virus loại B và C.
Tuy có nhiều công dụng nổi bật nhưng Cam thảo bắc lại không dùng được cho phụ nữ có thai, người thấp thịnh (tức là người bụng đầy chướng, buồn nôn…), đồng thời người bệnh không nên tự ý dùng Cam thảo Bắc chung với Hải tảo.
Đan Linh