Cảnh báo tình trạng nhiều người tiêu dùng đang ăn muối vượt ngưỡng khuyến nghị

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hiện nay khá nhiều người tiêu dùng đang ăn muối vượt ngưỡng khuyến cáo. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy người Việt Nam ăn mặn gần gấp đôi lượng muối cần thiết và là một trong nước ăn mặn nhất trên thế giới. Những con số WHO đưa ra cho thấy trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối mỗi ngày, gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là 5g muối một ngày. Đây là con số đáng báo động và cần có sự thay đổi để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh những bệnh lý gây ra do ăn mặn kéo dài

Thói quen ăn mặn ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mọi độ tuổi, và đặc biệt, trên nhóm người trong độ tuổi thanh niên và trung niên đang có sức khỏe tốt cũng không loại trừ.  Cũng theo thống kê, tỉ lệ người bị tăng huyết áp chưa được chẩn đoán gần 57%, đái tháo đường 70%, hơn 86% người bị tăng huyết áp chưa được quản lý bệnh. Một trong những nguyên nhân gây lên bệnh này chính là ăn quá mặn.

Không những vậy, nhiều người khám dinh dưỡng mới biết lượng hấp thụ muối vào cơ thể quá lớn mà không rõ nguyên do từ đâu. Khi được khuyến cáo giảm mặn, họ khẳng định "không hề ăn quá mặn" hoặc "không biết lượng muối hấp thụ từ nguồn nào".

Cảnh báo tình trạng nhiều người tiêu dùng đang ăn muối vượt ngưỡng khuyến nghị - Ảnh 1

Theo chuyên gia, người Việt đưa muối vào cơ thể thông qua ba nguồn chính. Thứ nhất là muối trong thức ăn, thông qua tẩm ướp, nêm nếm... Thứ hai là nguồn gia vị chấm do mâm cơm của người Việt luôn có sẵn bát nước mắm, xì dầu hoặc đĩa bột canh... Thứ ba, bản thân thực phẩm cũng chứa sẵn một lượng muối nhất định. Lượng muối trong thực phẩm có nguồn gốc từ biển thường cao hơn so với thực phẩm được nuôi trồng trên cạn; các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối hơn các thực phẩm tươi. Trong tất cả các nguồn muối đưa vào cơ thể nói trên, cần lưu ý nhất là lượng muối nêm thêm vào thức ăn khi nấu. Lượng muối này chiếm tới 70% tổng số lượng muối mà mỗi người tiêu thụ trong ngày. 

Thực tế, ăn mặn sẽ làm dư thừa muối, gây tăng tính thấm và tăng trương lực thành mạch máu, gây ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi, kết quả là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não (đột quỵ) và nhiều bệnh mạn tính không lây khác. Trong khi đó, bệnh lý tăng huyết áp lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch với 2/3 các ca đột quỵ.

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên thực hành chế độ ăn giảm mặn (ăn hạn chế muối) ngay từ khi còn trẻ để phòng tránh nguy cơ tăng huyết áp và một số bệnh không lây nhiễm, hoặc giảm nhẹ biến chứng của những bệnh có nguyên nhân từ việc ăn mặn.

Cảnh báo tình trạng nhiều người tiêu dùng đang ăn muối vượt ngưỡng khuyến nghị - Ảnh 2

Đối với những bệnh nhân đang phải dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, giảm ăn mặn sẽ hỗ trợ kiểm soát huyết áp tốt hơn. Khi bệnh nhân kiểm soát tốt được huyết áp sẽ giúp ngăn ngừa được tai biến mạch máu não, giảm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và một số bệnh tim mạch khác.

Ăn giảm mặn còn bớt tác động xấu tới chức năng thận, hạn chế và giảm mức độ suy thận. Ăn giảm mặn cũng giúp hạn chế đào thải canxi qua nước tiểu, phòng ngừa loãng xương, gãy xương, giảm được nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày do muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn Helicobacter pylori.

Thực tế, ăn mặn là thói quen đã được hình thành và lặp đi lặp lại theo năm tháng của cuộc đời mỗi người, cho nên việc thay đổi ăn giảm mặn cũng không thể thực hiện ngay được. Người ăn mặn cần ăn giảm mặn dần dần để cơ thể có thời gian thích nghi với thói quen mới.

Để đạt được con số khuyến nghị của WHO là mỗi người tiêu thụ dưới 5 g muối mỗi này, Bộ Y tế hướng dẫn cần tạo thói quen ăn giảm mặn dần dần. Bước đầu, mỗi người cố gắng giảm xuống mức 7 g muối mỗi ngày, từ nay đến 2030. Sau đó, sẽ tiếp tục ăn giảm mặn còn 5 g muối mỗi ngày.

Để ăn giảm mặn thành công, người dùng cần chú ý và nhớ rõ phương châm 'giảm mặn trong mọi gia vị và đồ ăn'. Cụ thể là:

1. Cho bớt muối khi chế biến thực phẩm: Khi nấu ăn cho giảm bớt lượng muối nêm vẫn thường dùng (giảm từ từ tiến tới giảm một nửa lượng muối).

2. Chủ động nấu ăn tại nhà nhiều hơn: Nấu ăn tại nhà để trực tiếp điều chỉnh giảm mặn trong mọi gia vị và thức ăn. Việc nêm nếm thức ăn cho trẻ nhỏ cũng cần tiết chế, giúp trẻ có một khẩu vị vừa phải tốt cho sức khỏe.

3. Lựa chọn các thực phẩm, gia vị giảm mặn: Hiện nay trên thị trường đã có các sản phẩm giảm mặn, đặc biệt là gia vị có công thức giảm mặn, nhận biết bằng lôgô hoặc thông tin trên nhãn sản phẩm. Hầu như gia đình Việt đều sử dụng nước mắm trong nấu nướng, luôn có bát nước chấm trong mâm cơm, bà nội trợ có thể chọn loại nước mắm giảm mặn để bắt đầu lối sống giảm mặn mà vẫn giữ được hương vị đậm đà cho bữa cơm.

Bên cạnh đó cần áp dụng cả gia đình, mọi độ tuổi, và áp dụng xuyên suốt để ngày càng cải thiện sức khỏe hiện tại và giữ gìn sức khỏe cho tương lai.

Hồng Anh (t/h)