Năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã cung ứng vật tư, giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ nông dân các địa phương trong tỉnh triển khai hiệu quả 8 mô hình khuyến nông, khuyến lâm bằng nguồn vốn khuyến nông quốc gia và địa phương hơn 3,1 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn khuyến nông địa phương hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ triển khai 6 mô hình, gồm: mô hình liên kết sản xuất cây ngô ngọt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm quy mô 10 ha với 40 hộ tại xã Vân Trình, huyện Thạch An tham gia; mô hình trồng cỏ voi xanh không lông và chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô 3 ha với 35 hộ tại xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang tham gia; mô hình cải tạo vườn tạp hiệu quả bằng biện pháp thâm canh trồng mới cây lê VH6, quy mô 4,5 ha với 20 hộ tại xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh tham gia.
Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi lợn đực sản xuất tinh giống phục vụ tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi tại xã Tam Kim và thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình); mô hình ứng dụng công nghệ chuyển đổi số nuôi thâm canh cá nước ngọt, quy mô 1.000 m2 tại phường Hòa Chung (Thành phố); mô hình trồng cỏ giống mới (Pakchong) và chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô 3 ha tại xã Hồng An (Bảo Lạc).
Ngoài ra, đối với nguồn khuyến nông quốc gia hơn 1,9 tỷ đồng hỗ trợ triển khai 2 mô hình: Mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn Táp Ná và Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá bỗng trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" giai đoạn năm 2021 - 2023 tại huyện Quảng Hòa và Trùng Khánh, quy mô 1.000 m3 lồng với 8 hộ tham gia.
Có thể nói việc tích cực triển khai và đa dạng hóa các mô hình khuyến nông của tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua, đã giúp cho nông dân ngày càng được tiếp cận nhiều với các phương thức sản xuất mới, mở rộng kiến thức, thay đổi cách làm ăn, từng bước xây dựng kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa.