Cây chè từ “xóa đói, giảm nghèo” trở thành cây làm giàu của người dân ở Ba Trại

Dù có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu cho phát triển cây chè, nhưng hàng thập kỷ, người nông dân ở vùng núi xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội) vẫn loay hoay với cái nghèo, cái khó. Cho đến năm 2010, nhờ có sự hỗ trợ về vốn tạo sinh kế từ Chương trình 135 và giống mới từ Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội, nhiều hộ gia đình đã đưa giống chè LDP1 có năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Đến nay, cây chè tại xã Ba Trại đã giữ vai trò quan trọng giúp người dân, xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân trên địa bàn xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân trên địa bàn xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy.

Là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, xã Ba Trại có diện tích tự nhiên lên đến 2.017 ha, quy mô dân số đạt trên 15.000 người với 3.722 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 48%. Dù trước đây, Ba Trại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đến nay đời sống đã được cải thiện rõ rệt, bởi những chính sách hỗ trợ hợp lý, cùng với sự vươn lên của người dân. Không những giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu trên “vùng đất khó”...

Ông Đinh Công Phu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại chia sẻ: “Từ năm 2012 đến năm 2021, được sự hỗ trợ của Thành phố Hà Nội về cây, con giống trong đó xã Ba Trại được hỗ trợ cây chè, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi giống chè cũ sang trồng giống chè LDP1 năng xuất, chất lượng cao, để xóa đói, giảm nghèo. Chè Ba Trại so với nhiều vùng chè khác của Thủ đô có vị khác biệt, hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh, sánh vàng, nhấp ngụm trà đầu có vị chát nhẹ, sau đó vị ngọt đậm dần cùng hương thơm lan tỏa... Đó là vị hòa quyện, kết tinh của đất và trời Ba Trại cùng với bí kíp chọn chè, sao chè của người dân nơi đây...”.

Ngoài ra, theo ông Phu, chia sẻ thêm thời gian qua, Ba Trại đã xây dựng Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân về định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề chè. Một số đường làng đã được trồng hoa, cây cảnh tạo điểm nhấn cho khách du lịch đến với Ba Trại có cảm giác được đến với làng quê tươi đẹp. Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh du lịch cộng đồng, đặc biệt là các vùng sản xuất chè, vận động bà con nhân dân chỉnh trang đường làng ngõ xóm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây chè theo hướng sạch và an toàn, từng bước tuyên truyền bà con nhân dân dùng chế phẩm sinh học để đảm bảo việc sử dụng thuốc trừ sâu an toàn...

 Người dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) thu hái chè.
Người dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) thu hái chè.

Là chứng nhân của câu chuyện hồi sinh cây chè Ba Trại và đang có gần một mẫu chè cho thu hoạch thường xuyên, ông Bùi Ngọc Chung, dân tộc Mường hiện sinh sống tại xóm Đô Trám hồi tưởng: Trước đây, do tập tục canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng chè không đảm bảo. Thời điểm ấy, giao thương vùng núi cũng còn gặp nhiều khó khăn khiến người nông dân như ông cứ loay hoay với cái nghèo...

"Những năm 2010, nhờ có sự hỗ trợ về vốn từ Chương trình 135 và giống mới từ Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội, tôi và nhiều hộ gia đình đã đưa giống chè LDP1 có năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Ít năm sau, đời sống gia đình tôi thay đổi hẳn. Với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, sau 5 năm, từ hộ nghèo gia đình tôi đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang và có tích lũy để tiếp tục đầu tư sản xuất”, ông Chung cho biết.

Sản phẩm chè Ba Trại có hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong. Ảnh: Sơn Thủy.
Sản phẩm chè Ba Trại có hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong. Ảnh: Sơn Thủy.

Trung bình mỗi năm, chè cho thu hoạch 7-8 lứa. Vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Những tháng còn lại, sản lượng chè giảm nhưng giá thường tăng hơn. Nguyên nhân do vào mùa đông, búp chè phát triển chậm năng suất thấp hơn vụ hè, nhưng đổi lại, cây chè được dưỡng đủ gió, sương nên mang vị đậm đà, thơm hơn.

Nói về giá trị kinh tế, cây chè không chỉ được đong đếm ở mức giá 200 đến 250 nghìn đồng/kg chè búp khô; mà từ đây, những đồi chè xanh còn manh nha mở hướng cho địa phương phát triển du lịch. Năm 2021, Ba Trại sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống đường giao thông cho các làng nghề trồng và chế biến chè búp khô, trong đó tập trung vào thôn 3 và thôn 4 (làng Đô Trám) để phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Đến Ba Trại hôm nay, mọi người sẽ gặp những mảng xanh rộng lớn trải dài từ khắp các sườn đồi đến khu vườn của mỗi nhà dân. Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Văn Chính, tại khu 3, xóm Đô chia sẻ: “Đối với làng nghề chè xóm Đô, xã Ba Trại có khoảng 100 hộ gia đình trồng chè và chế biến sản xuất chè. Năm 2021, đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao “Chè sạch Ba Trại”. Hiện nay, tổng diện tích vườn chè của gia đình có hơn 4000 m2, trồng chè của gia đình được áp dụng theo hướng sản xuất hữu cơ với giống cây chè chủ đạo hiện nay chủ yếu là giống LDP1, PH8, mỗi năm gia đình đạt khoảng hơn tạ chè khô, tính trung bình giá bán thô 250 nghìn/kg chè…mỗi năm đạt trung bình thu nhập từ cây chè khoảng 250 triệu đồng”.

“Chúng tôi đã xây dựng được mô hình trồng chè VietGAP, để nói về trồng chè của gia đình phải nói việc khó khăn nhất là khâu chế biến và chăm sóc, không phải ai cũng làm được chè ngon. Làm phải xây dựng thương hiệu tập thể, như gia đình tôi làm chè phải giữ chắc “chữ tín và lòng tin” như bản thân tôi năm nay đã hơn 60 tuổi thì đã gần 40 năm gắn với làm chè…”, ông Chính chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy.
Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy.

Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại, cho biết: “Ba Trại tự hào về vùng đất được mệnh danh là thủ phủ trồng chè của huyện Ba Vì, với địa hình có độ dốc lại nằm trong khu vực núi Ba Vì mát mẻ, không khí trong lành nên rất thích hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển. Hiện nay, diện tích trồng chè của Ba Trại là khoảng 470ha, là vùng trồng chè lớn nhất của huyện Ba Vì. Trung bình mỗi hộ dân có từ 2.000m2 đến 3.000m2 chè. 9/10 thôn của Ba Trại đã được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống. Từ năm 2019, xã Ba Trại bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè búp khô Ba Trại”.

SƠN THỦY