Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50 km về phía Nam, Ngoại Độ hiện lên với vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc và gần gũi. Chính nơi đây đang bảo tồn và lưu giữ một cây thị cổ thụ được coi là sức mạnh,sự trường tồn của con người và vạn vật ở nơi đất lành,thành điểm tựa về tinh thần cho cộng đồng dân cư cùng động viên nhau vượt qua khó khăn để bám trụ và phát triển. Cây thị không chỉ là chứng nhân của lịch sử mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây.
Không chỉ là một cây cổ thụ đơn thuần, cây thị ở thôn Ngoại Độ còn mang trong mình ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc. Người dân trong làng coi cây thị như một “biểu tượng lịch sử và văn hóa”, một “vị thần” bảo vệ, đem lại may mắn và bình an cho cả làng. Lịch sử của thôn Ngoại Độ được ghi lại qua nhiều câu chuyện và di tích cổ kính. Làng từng là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người dân với nghề nông là chủ yếu.
Kinh tế của thôn Ngoại Độ chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với những cánh đồng lúa. Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thôn đã bắt đầu có những bước phát triển mới, mang lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Ngày nay, thôn Ngoại Độ đang từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, với sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, các công trình công cộng như trường học, trạm y tế cũng được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của người dân. Dù vậy, thôn vẫn giữ được nét thanh bình, yên ả, là nơi mà người dân luôn hướng về với lòng tự hào.
Theo lời kể của ông Dư Văn Vụ (SN 1955) kể lại thì, nhà ông ở gần cây thị cổ thụ, thì từ khi sinh ra và lớn lên vẫn thường được nghe ông nội và các cụ trong làng kể về những câu chuyện về cây thị. Cây thị này thì bao nhiêu đời truyền lại. lớn lên đã thấy cây thị và nó vẫn thế. Cây này khả năng có khoảng hơn 1000 năm tuổi. Thời chống Pháp có cái hầm trú ẩn bên dưới gốc cây. Ông Vụ và nhiều người dân xung quanh vẫn thường vào đó trú ẩn. Thân cây Thị này thường thường phải 8 người ôm mới hết thân cây. Cây thị cổ thụ này cũng đã từng bị sét đánh trúng hai lần là làm gãy những nhánh cây to.
Ông Dư Văn Hiệp (SN 1957) cho biết thêm: Lúc tôi còn nhỏ, vẫn thường chui vào trong cái hầm chữ A dưới gốc cây thị để chơi trận giả. Cây thị hiện nay là cái nhánh thứ ba. Các cụ vẫn truyền tai nhau là ngày xưa chưa có nhà cao tầng thì từ trên Vân Đình cách đó chừng 15km vẫn nhìn được cây thị cổ thụ thôn Ngoại Độ. Nhiều người vẫn thường nói: “Từ khi đẻ ra cho đến khi lớn lên thì cây thị vẫn cổ thụ như thế này rồi”.
Còn ông Nguyễn Văn Thìn (SN 1968) nói: “Nhà tôi thì bên cạnh đây, là hàng xóm cận kề. Khi tôi lớn lên vẫn nhìn thấy cây thị này. Thời điểm tôi mới 4-5 tuổi là đã ra đây chơi trận giả ở dưới gốc cây thị, bên dưới gốc cây thị có cái hầm chữ A to lắm. Hồi bé giai đoạn máy bay bắn phá miền Bắc là tôi cứ toàn chui vào gốc cây thị này. Tối nào cũng ra đây chơi trận giả. Ngày xưa ở cái đất này, cây cối cổ thụ um tùm, nó rậm rạp. Xung quanh toàn trồng cây chuối và cây rong giềng. Thời ông tôi nếu còn sống cũng khoảng trên 130 tuổi. Ông bảo khi ông lớn lên cũng đã nghe các cụ nói cây thị nó vẫn to như thế này rồi. Chiều cao của cây thị khoảng 25 mét. Đường kính khoảng 15 mét. Cây này ngày xưa, nó cũng là một cây cổ thụ xòe bóng mát to. Cái tuổi như bọn tôi lúc đấy là cứ đi chăn trâu, chăn bò. Thường về nghỉ mát ở đấy.
Hiện tại, cây thị cổ thụ đang nằm trong khuôn viên của gia đình ông Đặng Đình Trọng. Cây thị cổ thụ vẫn đang được chăm sóc, bảo vệ và phát triển xanh tốt. Cây thị cổ thụ đã trải qua hàng nghìn năm, chứng kiến biết bao biến đổi của làng quê và vùng đất này. Theo những người cao niên trong làng, cây thị đã tồn tại từ thời xa xưa, gắn bó với đời sống người dân qua nhiều thế hệ. Cây có kích thước lớn, tán lá xum xuê, thân cây to và vững chắc, thể hiện sức sống mãnh liệt và trường tồn với thời gian.
VĂN BÌNH