Chăm sóc cây chè vụ đông - xuân

Năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, ít mưa nên nhiều hộ dân gặp khó khăn trong sản xuất chè vụ đông - xuân. Do đó, để cây chè vụ đông - xuân đạt được năng suất cao, chất lượng chè tốt, bà con cần có kỹ thuật trồng chè và chăm sóc cây chè khoa học.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng khủng hoảng lao động trong những tháng thu hoạch chè chính (vụ hè - thu) đã xảy ra ở hầu hết các vùng chè lớn trên cả nước. Mặc dù việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu đã được áp dụng, nhưng tỷ lệ hộ áp dụng còn thấp nên việc rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch chè vụ đông - xuân sẽ góp phần làm cân bằng tình trạng trên.

Sự sinh trưởng và phát triển của cây chè phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết khí hậu, kỹ thuật đốn hái, giữ ẩm, bón phân là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chè đông - xuân.
Sự sinh trưởng và phát triển của cây chè phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết khí hậu, kỹ thuật đốn hái, giữ ẩm, bón phân là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chè đông - xuân.

Xuất phát từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu, thu được kết quả từ Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất chè vụ Đông - Xuân để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm chè ở vùng miền núi phía Bắc”. Theo đó, để nâng cao giá trị sản phẩm chè ở các tỉnh miền núi phía Bắc vụ đông - xuân, bà con cần thực hiện nghiêm ngặt những kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè.

Thứ nhất, trong điều kiện bình thường (không tưới nước) sản lượng chè có tương quan thuận với nhiệt độ và lượng mưa ở cả 3 địa điểm nghiên cứu. Sản lượng chè của các tháng có lượng mưa trung bình trên 100mm tại Thái Nguyên, Hòa Bình và Lai Châu chiếm lần lượt 75,5%, 91,5% và 76% tổng sản lượng chè cả năm.

Thứ hai, bà con tưới nước bổ sung trong vụ đông xuân (từ tháng 10 đến hết tháng 3) với mật độ 5 ngày/1 lần, lượng tưới 1000m3/ha/tháng. Điều này đã làm tăng số lứa hái chè trong vụ đông xuân lên 4 lứa, tăng sản lượng vụ đông xuân lên 15,25 lần, tăng tỷ lệ chè loại A, B lên 86,4% và cho thu lợi nhuận 87,267 triệu đồng/ha, cao nhất trong các công thức thí nghiệm.

Thứ ba, sử dụng rơm, rạ với lượng 30 tấn/ha kết hợp với hạt polymer siêu ngậm nước với lượng 50kg/ha.

Thứ tư, sử dụng các phương pháp giữ ẩm trong điều kiện có tưới nước đã làm tăng sản lượng chè cả năm 17%, đạt 95,35 tạ/ha, lợi nhuận đạt 104,0 triệu đồng/ha, tăng 38% so với đối chứng.

Thứ năm, trong điều kiện có tưới nước thời vụ đốn có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng búp chè. Công thức đốn 15/4 rút ngắn thời gian từ đốn đến thu hái lứa đầu 32 ngày, đồng thời kéo dài thời gian cho thu hoạch búp 16 ngày, nâng sản lượng vụ đông xuân lên 29,08%, cho lợi nhuận đạt 88,76 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 40%.

Thứ sáu, đối với cây chè vụ đông - xuân, bón tăng 30% lượng phân khoáng (N, P, K) trong điều kiện có tưới nước bổ sung đã làm cho cây chè sinh trưởng mạnh hơn, sản lượng vụ đông xuân tăng 9%, sản lượng cả năm tăng 19%, lợi nhuận đạt 99,58 triệu đồng/ha cao hơn đối chứng 16%.

Thứ bảy, trong điều kiện tưới nước, bón phân đạm với tỷ lệ 20%:20:10%:10%:20%:20% vào các tháng 1,3,5,7,9,11 làm cho cây chè sinh trưởng mạnh hơn, tăng số lứa hái trong vụ đông xuân lên 5 lứa, tăng sản lượng vụ đông xuân lên 33,26% tổng sản lượng cả năm, lợi nhuận đạt 108,6 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 18,5%.

Thứ tám, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào mô hình ở các địa phương đã nâng tỷ trọng sản lượng chè vụ đông - xuân lên từ 26,8 - 33,6% tổng sản lượng chè cả năm, lợi nhuận đạt từ 64,8 đến 133,4 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng từ 2,5 đến 3,6 lần so với đối chứng.

Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Trần Văn Thái, xóm Cầu Bình 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) - người làm chè đông trên diện tích 2.000m2: Chè vụ đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn chè chính vụ, đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ chè rất lớn. Làm chè trái vụ đòi hỏi phải đầu tư hệ thống nước tưới và mất nhiều công chăm sóc nhưng có ưu điểm là mùa đông chè ít sâu bệnh, không cần phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Do đó, ngay từ đầu tháng 8, sau khi thu hái lứa chè chính vụ cuối cùng, gia đình ông Thái đã tiến hành cúp tán và tập trung chăm sóc để thu hái lứa chè đông. Đảm bảo hệ thống nước tưới liên tục tối thiểu từ 5- 7 ngày phải tưới 1 lần. Bên cạnh đó, gia đình ông Thái còn ủ phân vi sinh từ rơm rạ để bón bổ sung, kịp thời cung cấp dinh dưỡng và giữ ấm cho cây chè vụ đông.

Để cây chè sinh trưởng tốt cho năng suất cao, ông Thái cho biết thêm, trong thời gian cây chè nghỉ qua đông cần chú ý tập trung chăm sóc một số khâu chính sau đây: Sau khi đốn cần thu dọn thân và cành to ra bờ, vùi lấp cành tăm hương và lá chè theo hàng chè để tăng chất mùn (ép xanh). Những nương chè đến kỳ bón phân hữu cơ và phân lân thì kết hợp việc ép xanh với bón phân hữu cơ và phân lân cho chè. Đồng thời phun một lượt thuốc lên thân và cành tán chè để diệt sâu bệnh. Xới sạch cỏ trong gốc chè, cày và cuốc lật giữa hai hàng chè làm cho đất tơi xốp, hạn chế bốc hơi nước.

Nhân Lê (t/h)