Chàng trai 9x sở hữu hai thương hiệu trà nổi tiếng ở Thái Nguyên

Nhắc đến vùng đất xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng sẽ có rất nhiều người yêu trà trong và ngoài nước biết đến hai thương hiệu trà hữu cơ Phú Đô và trà Tuấn Nhung của người nông dân trẻ 9X Hoàng Văn Tuấn giàu tình yêu quê hương, tâm huyết với nông nghiệp, dày công tạo dựng và cống hiến trong nhiều năm qua.

Nông dân 9x đồng sở hữu hai thương hiệu trà nức tiếng...
Nông dân 9x đồng sở hữu hai thương hiệu trà nức tiếng...

Anh Hoàng Văn Tuấn, sinh năm 1993 ở Phú Đô, một xã trung du miền núi thuộc huyện Phú Lương (Thái Nguyên) với hai thương hiệu trà hữu cơ là Trà Phú Đô và Trà Tuấn Nhung được nhiều người biết đến, đặc biệt cùng với 5 tiên phong trong việc sản xuất chè:

Tiên phong sản xuất chè hữu cơ tại địa phương

Năm 2018, khi bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam 11041 ra đời, cũng là lúc anh Hoàng Văn Tuấn tiên phong khởi nghiệp mô hình trồng chè hữu cơ tại xã Phú Đô, ban đầu với diện tích nhỏ 0,3 ha chè (trà) của gia đình, cho đến ngày 22/2/2022 HTX trà an toàn Phú Đô chính thức được thành lập sau hơn 2 năm, đến nay năm 2024 tổng diện tích sản xuất chè (trà) đã tăng lên 15,2 ha với 23 hộ trong và ngoài xã liên kết sản xuất. Hằng năm cho sản lượng trung bình 30 tấn trà búp khô các loại.  Ngoài việc khai thác trà búp, trà nõn, trà đinh thì HTX còn khai thác cả hoa và lá trà già để chế biến thành sản phẩm trà hoàng hoa đệ nhất và trà gốc cổ nguyên lá, có giá bán lên tới 1,990,000 (vnđ). Qua hoạt động sản xuất “tiên phong” đó đã làm thay đổi tư duy canh tác của cư dân địa phương từ truyền thống, hóa học sang sản xuất hữu cơ. Đóng góp mang tính tiên phong của anh Tuấn đối với cộng đồng, môi trường và kinh tế xứng đáng được ghi nhận.

Mô hình tiên phong sản xuất chè hữu cơ tại xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) từ năm 2018 đến nay đã gặt hái nhiều thành công, được các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nhân và người tiêu dùng ghi nhận và đánh giá cao.
Mô hình tiên phong sản xuất chè hữu cơ tại xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) từ năm 2018 đến nay đã gặt hái nhiều thành công, được các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nhân và người tiêu dùng ghi nhận và đánh giá cao

Tiên phong ứng dụng than sinh học vào sản xuất trà, ứng phó biến đổi khí hậu

“Vàng đen” hay còn gọi than sinh học (TSH) là sản phẩm thu được sau quá trình nhiệt phân các loại phế phụ phẩm nông nghiệp. Với bản chất là hệ cacbon hữu cơ có các đặc tính vượt trội, khi đưa vào đất, than sinh học có tác dụng như một chất cải tạo đất giúp nâng cao lượng mùn, tăng cường hoạt động vi sinh vật, khả năng giữ nước, giữ ẩm, chất dinh dưỡng, từ đó tác động tích cực đến sức khỏe nền đất canh tác đồng thời làm tăng hiệu xuất đất lên từ 40-200%.  Đây là bước đệm quan trọng nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp về lâu dài, đồng thời cũng là chìa khóa quan trọng để lưu trữ cacbon trong đất, giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu hướng đến phát triển bền vững.

Than sinh học được ví như “vàng đen” thân thiện với môi trường, được anh nông dân Hoàng Văn Tuấn bón cho nương chè, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Than sinh học được ví như “vàng đen” thân thiện với môi trường, được anh nông dân Hoàng Văn Tuấn bón cho nương chè, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu khoa học, sử dụng TSH sẽ giảm được 13 - 22% lượng phát thải CO2 vào khí quyển. Ngoài việc sử dụng như một loại chất đốt, TSH được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong nông nghiệp, loại nguyên liệu mới này đem đến nhiều lợi ích. TSH được sử dụng để cải thiện chất lượng đất, tạo vật chất mang các vi sinh vật làm phân giải nhanh các chất hữu cơ thành khoáng chất giúp cây hấp thụ tốt hơn, tăng năng suất cây trồng trên đất nghèo, có khả năng hấp thụ các chất hữu cơ và phân bón hóa học trên bề mặt, giữ các chất dinh dưỡng, chống rửa trôi, góp phần làm giảm chi phí tưới tiêu, giúp ngăn chặn dòng chảy làm mất mát phân bón và giảm bớt ô nhiễm môi trường, giữ độ ẩm, giúp cây qua được thời kỳ hạn hán. Các-bon trong TSH có thể cô lập lượng khí thải, có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển. Do đó, TSH đem đến những “lợi ích vàng” trong ngành nông nghiệp.

Tiên phong ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối, thân thiện với môi trường vào chế biến trà, nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX

Công nghệ khí hóa sinh khối là công nghệ đốt các vật liệu có nguồn gốc sinh học trong điều kiện thiếu oxy. Về cơ bản, vật liệu sinh khối được đưa vào qua bộ phận cấp liệu của thiết bị VCBG, và khí gas tổng hợp được tạo ra trong buồng phản ứng. Sau đó, khí gas được đốt sinh nhiệt tại đầu đốt của thiết bị. Các vật liệu sinh khối được sử dụng trong công nghệ này có thể là nguồn rác thải sinh khối sẵn có ở địa phương như thân lõi ngô, cây sắn, mùn cưa, gỗ vụn, dăm mảnh và vỏ cây, trấu, rơm rạ, v.v… Công nghệ VCBG là phiên bản công nghệ khí hóa tiên tiến nhất hiện nay do Trung Tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) phát triển.

Công nghệ VCBG giúp tiết kiệm tới 50% chi phí so với đốt bằng than đá và 80% chi phí so với đốt bằng ga hoặc dầu không tạo ra chất độc trong quá trình đốt, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm chất thải, bảo vệ môi trường Không phát thải cacbon, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.  Tạo thêm việc làm và thu nhập từ việc thu gom và cung cấp sinh khối, tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh than sinh học (một sản phẩm của việc ứng dụng VCBG).

Ứng dụng công nghệ này vào chế biến trà đem lại chất lượng sản phẩm tốt ngang với các công nghệ tiên tiến khác, qua đó nâng cao giá trị sả phẩm trà và năng lực canh tranh của HTX.

Tiên phong chuyển đổi số nông nghiệp

Chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi lớn cho nền nông nghiệp Thái Nguyên, thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, năng suất cao và thân thiện với môi trường. Những cách làm mới và thành quả hiện hữu là minh chứng cho hướng đi đúng đắn mà HTX trà an toàn Phú Đô đã dày công thực hiện thành công. Ngày 11/4/2024 HTX trà an toàn Phú Đô vinh dự là đơn vị đầu tiên của ngành chè Việt Nam, nhận giải thưởng vua chuyển đổi số lần thứ nhất năm 2024 taị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tiên phong trong xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp

Cụ thể, Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô đã tích hợp phát triển du lịch nông nghiệp vào giữa năm 2023, từ khi triển khai cho đến nay, HTX đã đón gần 1000 lượt du khách, chủ yếu là nhóm người trung tuổi, nhóm tuổi hưu trí, nhóm sinh viên đến thăm quan, trải nghiệm và thưởng trà. Qua đó có đóng góp nhất định cho hoạt động thương mại và quảng bá thương hiệu, sản phầm trà hữu cơ Phú Đô đến với người dùng trà trên cả nước. Đồng thời duy trì, bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, Tạo ra thời cơ mới cho phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại địa phương.

Du lịch nông nghiệp là hướng đi mới, mang tính bền vững, cần được phát huy góp phần tạo việc làm cho người lao động, hình thành các điểm du lịch mới thu hút khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế không khói có đóng góp quan trọng của địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Phú Đô.

Chàng trai 9x sở hữu hai thương hiệu trà nổi tiếng ở Thái Nguyên   - Ảnh 1
TS. Đỗ Thị Vân Hương, (đứng thứ ba bên phải) Giảng viên Khoa Du lịch trường Đại học Khoa Học - Thái Nguyên cho biết, Thạc sĩ Hoàng Văn Tuấn là cựu sinh viên, học viên ưu tú của Khoa Tài nguyên và Môi trường, trường Đại học Khoa Học, sau khi hoàn thành xong luận văn thạc sĩ đã trở về địa phương cống hiến cho xã nhà. Sự kiên trì với khởi nghiệp vùng chè hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ mở ra triển vọng mới cho sự phát triển bền vững.

Trong thời gian tới Khoa Du lịch, cũng như Khoa Tài nguyên và Môi Trường cũng sẽ đưa những đoàn sinh viên đến với HTX để thăm quan, trải nghiệm, thực tập, thực tế qua đó giúp các em sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành thực tế, gắn giữa giáo dục và đào tạo lý thuyết với thực tiễn.

Những cống hiến của anh nông dân Hoàng Văn Tuấn được lãnh đạo địa phương đánh giá cao

Ông Nguyễn Quốc Hữu, (ngồi thứ 2 bên trái) Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Huyện ủy Phú Lương thưởng trà và làm việc tại HTX trà an toàn Phú Đô.
Ông Nguyễn Quốc Hữu, (ngồi thứ 2 bên trái) Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Huyện ủy Phú Lương thưởng trà và làm việc tại HTX trà an toàn Phú Đô.

Tại HTX trà an toàn Phú Đô, xã Phú Đô, ông Nguyễn Quốc Hữu Bí thư Huyện ủy ghi nhận sự nỗ lực cố gắng, tìm tòi, sáng tạo của HTX trong trồng, chăm sóc và chế biến trà, sản phẩm trà mang hương vị thơm ngon tự nhiên, tốt cho sức khỏe con người. Đơn vị đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng và có thành tích “vua chuyển đổi số” đã được ghi nhận, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, xúc tiến kinh doanh sản phẩm trà nhằm nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.…

Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó chủ tịch UBND xã Phú Đô.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô.

Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: HXT trà an toàn Phú Đô là một trong những đơn vị luôn tiên phong trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại những đóng góp tích cực cho kinh tế, xã hội và môi trường đáng được ghi nhận trong thời gian qua. HTX đã ứng dụng rất hiệu quả các thành tựu của khoa học, kỹ thuật như: ứng dụng phần mềm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối vào chế biến trà…

Cùng với đó, bà Như Quỳnh, chia sẻ thêm công nghệ khí hóa sinh khối như một nguồn năng lượng tái tạo trong việc xử lý có hiệu quả các chất thải trong sản xuất Nông nghiệp. Việc sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như mùn cưa, thân vỏ cây, vỏ lá cây… tạo ra nguồn năng lượng sạch để chế biến nông sản mang lại nhiều ưu điểm: Hiệu suất nhiệt cao, nguồn nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại vùng nông thôn…

Hơn nữa, việc sử dụng Công nghệ khí hóa sinh khối giảm phát sinh nhiệt, người sản xuất chế biến chè đỡ vất vả trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng bức. Với những ưu việt đó, địa phương mong muốn không chỉ riêng HTX Trà an toàn Phú Đô mà các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn áp dụng công nghệ khí hóa sinh khối trong sản xuất, chế biến sản phẩm trà vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Ông Đặng Quốc Huy, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, (đứng bên phải) thăm mô hình thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tại HTX trà an toàn Phú Đô.
Ông Đặng Quốc Huy, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, (đứng bên phải) thăm mô hình thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tại HTX trà an toàn Phú Đô.

Ông Đặng Quốc Huy, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn xã Phú Đô cho biết, đồng chí Hoàng Văn Tuấn là Bí thư chi Đoàn thanh niên xóm Phú Thọ, là một trong những tấm gương sáng, thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Ngoài việc phát triển thương hiệu trà Phú Đô, trà Tuấn Nhung thì đồng chí còn giành thời gian chia sẻ tinh thần khởi nghiệp cho các đồng chí Đoàn viên thanh niên khác, đồng thời đồng chí cũng rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương phát động, tổ chức.

Hoàng Tuấn