Chè cổ thụ Ngải Trồ: Di sản xanh nâng bước người dân thoát nghèo

Đồi chè cổ thụ Ngải Trồ rộng 21,5 ha, với hàng nghìn cây chè cổ trăm tuổi, là di sản quý báu và sinh kế chính của 71 hộ dân, góp phần giúp cộng đồng từng bước thoát nghèo, hướng tới cuộc sống xanh và phát triển bền vững.

Giữa non cao mây trắng của huyện Bát Xát (Lào Cai), đồi chè cổ thụ Ngải Trồ hiện lên như một báu vật xanh mướt nằm gọn trong thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung. Không chỉ là dấu tích sống động của thời gian, nơi đây còn là minh chứng rõ nét cho việc bảo tồn thiên nhiên có thể song hành cùng phát triển kinh tế bền vững khi cây chè cổ thụ trở thành “cây thoát nghèo” cho cả cộng đồng.

Đồi chè cổ thụ tại thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung trải rộng trên diện tích khoảng 21,5 ha, với hàng nghìn cây chè, thuộc sở hữu của 71 hộ dân.
Đồi chè cổ thụ tại thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung trải rộng trên diện tích khoảng 21,5 ha, với hàng nghìn cây chè, thuộc sở hữu của 71 hộ dân.

Đồi chè cổ thụ Ngải Trồ trải rộng khoảng 21,5 ha, là nơi sinh trưởng của hàng nghìn cây chè cổ có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Theo lời kể của các bậc cao niên, nhiều cây đã hiện diện trên mảnh đất này từ khi tổ tiên họ khai phá vùng đất hoang sơ, với đường kính gốc lên đến 40–50 cm, chiều cao trung bình từ 5 đến 7 mét. Mỗi thân cây xù xì, rễ bám chắc vào sườn núi là một chứng nhân của lịch sử, của sự gắn bó bền chặt giữa con người và thiên nhiên qua nhiều thế hệ.

Theo những người cao tuổi trong thôn, những cây chè cổ thụ ở Ngải Trồ ước tính tuổi đời hàng trăm năm, nhiều cây có đường kính gốc 40 - 50 cm, chiều cao trên 5m.
Theo những người cao tuổi trong thôn, những cây chè cổ thụ ở Ngải Trồ ước tính tuổi đời hàng trăm năm, nhiều cây có đường kính gốc 40 - 50 cm, chiều cao trên 5m.

Không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa, hệ sinh thái chè cổ thụ còn là nguồn thu nhập chủ lực cho 71 hộ dân trong thôn. Mỗi mùa chè từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm là thời điểm cả thôn Ngải Trồ nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người dân tỏa đi khắp đồi chè, trèo lên từng ngọn cây để hái bằng tay những búp non quý giá. Độ cao từ 3 đến 7 mét không làm chùn bước họ, bởi mỗi búp chè hái xuống không chỉ là sản phẩm thiên nhiên, mà còn là kết tinh của công sức, kỹ năng và tình yêu với đất.

Mỗi năm, người dân Ngải Trồ thu về khoảng 1,4 tỷ đồng từ việc bán chè búp tươi.
Mỗi năm, người dân Ngải Trồ thu về khoảng 1,4 tỷ đồng từ việc bán chè búp tươi.

Cây chè cổ thụ không chỉ nuôi sống người trồng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều người dân trong thôn. Những người lớn tuổi vốn khó tiếp cận các công việc đòi hỏi sức khỏe được bố trí hái ở các tán thấp, phù hợp với thể lực. Người trẻ thì leo trèo hái búp trên cao. Mỗi ngày công hái chè thuê mang lại thu nhập từ 200.000–250.000 đồng một con số đáng kể ở vùng cao.

Thậm chí, những người cha phải địu con lên đồi, tranh thủ từng giờ nắng để kịp thu hái những búp chè tươi ngon nhất. Đó không chỉ là hình ảnh lao động giản dị, mà còn là biểu tượng của tình yêu, của khát vọng vươn lên giữa nơi địa đầu tổ quốc.

Không giống chè canh tác đại trà, chè cổ thụ Ngải Trồ là sản phẩm của thổ nhưỡng độc đáo, khí hậu mát mẻ quanh năm và kỹ thuật thu hái tỉ mỉ. Chính vì thế, giá trị của mỗi kg chè tươi dao động từ 25.000 đến 260.000 đồng/kg, tùy thời điểm và chất lượng. Đặc biệt, chè khô thành phẩm có thể đạt giá trị từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/kg mức giá mà nhiều nơi trồng chè khác chỉ có thể mơ ước.

Điều đáng chú ý, dù giá cao, nguồn chè khô chất lượng cao của Ngải Trồ vẫn thường xuyên “cháy hàng”. Nhu cầu thị trường luôn vượt quá sản lượng, cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây chè cổ thụ là hoàn toàn khả thi nếu có sự đầu tư hợp lý về chế biến, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.

Mỗi năm, người dân Ngải Trồ thu về khoảng 1,4 tỷ đồng từ việc bán chè búp tươi. Con số này không chỉ phản ánh hiệu quả kinh tế, mà còn khẳng định vị thế của cây chè cổ thụ như một “trụ cột xanh” trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng cao. Nhưng hơn cả tiền bạc, điều mà bà con Ngải Trồ đang gìn giữ là một phần hồn thiêng của núi rừng – một di sản mà thiên nhiên trao tặng, và con người đang trân trọng trao truyền. Câu chuyện của đồi chè cổ thụ Ngải Trồ là ví dụ điển hình cho việc phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa và tài nguyên bản địa. Khi người dân biết phát huy thế mạnh sẵn có, giữ gìn “mỏ vàng xanh” bằng tri thức và tình yêu, thì con đường thoát nghèo, làm giàu chính đáng không còn là giấc mơ xa vời.

Hiền Nguyễn

Từ khóa: