Mộc Châu - Nơi có những cây chè gần 300 tuổi
Đến nay vẫn rất hiếm có người biết rằng tại vùng đất Mộc châu lại có những cây chè cổ thụ lên đến 300 tuổi. Cụ thể đó là khu vực Chờ Lồng hoặc Tô Múa là nơi có những cây chè trăm tuổi của Mộc Châu, hiện đang được bảo tồn và phát triển. Theo dân địa phương, cây chè đã gắn bó với bà con từ bao đời nay, trải qua mưa nắng, thân cây trở nên mốc trắng, rêu phong. Những cây chè cao 2 mét trở lên, đường kính gần 30 cm. Giống chè shan tuyết cổ thụ ngon nổi tiếng này đã đi vào thơ ca trong câu: Gai Mường Tè, Chè Tô Múa, lúa Tú Nang…
Có nhiều câu chuyện lịch sử lâu đời thế, nhưng phải đến năm 1958, cây chè mới trở thành giống cây trồng chủ lực đem lại hình ảnh nổi tiếng cho Mộc châu. Cây chè đã được cán bộ chiến sĩ Nông trường Quân đội đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại cao nguyên Mộc Châu ở khu vực 66 ( tiểu khu Chè Đen bây giờ). Sau gần 70 năm, cây chè ở Mộc Châu được phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung rộng lớn, với nhiều giống chè năng suất, chất lượng cao. Trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp bà con nơi đây tăng thu nhập ổn định hơn.
Hiện, một số gia đình còn giữ phương pháp thủ công sao chè, tức là dùng tay đảo chè trong chảo nóng, nên chè có mùi thơm đặc trưng, khi uống ban đầu cảm nhận có vị đắng, sau đó là vị ngọt thanh mà hiếm loại chè nào có được, tạo nên thương hiệu riêng cho sản phẩm chè của xứ Mộc Châu.
Vùng nguyên liệu chè Mộc Châu được trồng tập trung chủ yếu ở thị trấn Nông trường và các xã Phiêng Luông, Tân Lập, Chiềng Sơn với nhiều giống chè chất lượng cao như Shan Tuyết, Kim Tuyên, Bát Tiên, Ô Long… Theo các nghệ nhân pha trà nơi đây, để có một ấm trà ngon, trước tiên phải lưu ý đến các bước nhất nước, nhị trà, tam pha, tứ ấm.
Chè Mộc Châu mở rộng thị trường xuất khẩu
Hiện nay, diện tích trồng chè của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đạt trên 2.120 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 22.850 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, với 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè. Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm chè mang thương hiệu Mộc Châu đã có mặt tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Afganistan… các nước Trung Đông. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã xuất khẩu 1.260 tấn chè.
Sản xuất, chế biến chè đã tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Trong những năm gần đây, những đồi chè xanh bát ngát, trải dài tít tắp, hay những đồi chè có hình thù đặc biệt được tạo nên từ bàn tay của những người làm chè Mộc Châu đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Nam Trứ /Văn phòng Tây Bắc