Giữa miền sơn cước Tuyên Quang hùng vĩ, có một vùng đất mang vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa trầm mặc thôn Phia Chang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang. Nơi đây không chỉ là một điểm đến gợi bao tò mò bởi cảnh sắc núi rừng kỳ bí, mà còn là cái nôi của một báu vật thiên nhiên: chè Shan cổ thụ món quà thanh khiết từ đất trời, đậm hồn vía của đại ngàn Đông Bắc.
Khác với nhiều vùng chè Shan khác, cây chè ở Phia Chang có lá mác to, dày, thân sần sùi bạc màu thời gian, như những lão nhân trầm mặc giữa rừng sâu.
Chè Shan Phia Chang được ví như “giọt sương ngọt lành” của núi rừng. Giữa khí hậu trong lành quanh năm, nơi những mạch nước ngầm mát lành tuôn chảy không ngừng và sương sớm phủ trắng đỉnh đồi, cây chè lớn lên chậm rãi, hấp thu tinh hoa đất trời. Khác với nhiều vùng chè Shan khác, cây chè ở Phia Chang có lá mác to, dày, thân sần sùi bạc màu thời gian, như những lão nhân trầm mặc giữa rừng sâu. Những chồi búp mọc liên tục quanh năm, kết tụ từng lớp phấn tuyết trắng dấu hiệu nhận biết chè Shan tuyết thượng hạng.
Để tạo nên một ấm chè Phia Chang chuẩn vị, từ khâu hái chè đến chế biến đều là cả một nghệ thuật. Người Dao nơi đây thường hái chè vào sáng sớm, khi sương mai còn đọng trên từng búp non. Chè sau khi hái phải chọn lọc tỉ mỉ, loại bỏ búp sâu hay dập nát, rồi được sao ngay để giữ nguyên độ tươi. Nhưng sao chè không chỉ đơn giản là dùng lửa mà là sự hòa quyện giữa kinh nghiệm, cảm giác và tình yêu nghề. Sao non quá thì nước chè xanh nhưng dễ ngái, sao già tay thì búp dễ cháy, mất hương. Vì vậy, mỗi mẻ chè ngon đều là kết quả của sự nhẫn nại và khéo léo điều mà không phải ai cũng học được, càng không thể vội vàng.
Điểm đặc biệt trong kỹ thuật làm chè ở Phia Chang là giai đoạn “uống sương, tắm nắng” sau lần sao đầu tiên, chè được đem phơi một ngày dưới nắng nhẹ và một đêm ngoài trời để hấp thụ linh khí trời đất. Sau đó, chè tiếp tục được sao và vò thêm hai lần nữa cho đến khi khô hẳn. Nhờ đó, búp chè săn nhỏ, phủ lớp phấn mờ, giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên tinh khiết.
Nâng chén trà nóng nghi ngút khói, người thưởng trà dễ dàng cảm nhận được mùi hương nồng nàn, thanh sạch như mùi cỏ non đầu xuân. Ngụm đầu tiên mang vị chát nhẹ nơi đầu lưỡi, rồi nhanh chóng tan thành hậu ngọt đằm sâu nơi cổ họng một cảm giác dễ khiến người ta “nghiện”, nhưng là cái nghiện đầy mê hoặc của sự tinh tế và thuần khiết.
Người già trong bản kể lại, chè Shan ở Phia Chang bắt đầu từ những lần bà con vào rừng Phiêng Khao giáp Bắc Kạn lấy măng. Họ phát hiện những cây chè cổ mọc tự nhiên, búp lớn, lá dày, vị ngon khác lạ. Từ việc hái chè uống chơi rồi mê lúc nào không hay, đến mùa chè ra quả, mỗi nhà mang về vài hạt giống ươm trồng quanh nhà. Cứ thế, qua năm tháng, những vạt chè cổ thụ hình thành, trở thành nét riêng của cả vùng.
Điều đáng quý hơn cả là cách người dân nơi đây gìn giữ chè Shan như một phần linh hồn bản làng. Không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật, cây chè lớn lên nhờ quy luật tự nhiên, được con người chăm chút như một phần máu thịt. Trong một thế giới ngày càng công nghiệp hóa, chè Shan Phia Chang vẫn giữ nguyên bản sắc như một biểu tượng cho sự bền vững, chân thành và hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Có thể với nhiều người, cái tên Phia Chang còn xa lạ. Nhưng với những ai đã từng đặt chân tới đây, từng ngồi bên bếp lửa nghe gió rừng lao xao, nhấp một ngụm trà nóng giữa màn sương bảng lảng thì nơi này không chỉ là địa danh, mà là một ký ức, một khởi đầu cho tình yêu với trà và với cả vẻ đẹp tinh khiết của núi rừng Việt Nam. Chè Shan Phia Chang không chỉ là một thức uống. Đó là món quà quý giá mà thiên nhiên và con người Tuyên Quang trao gửi, xứng đáng được trân trọng, nâng niu và kể lại như một câu chuyện đẹp của đất Việt.