Chè tồn kho do đại dịch Covid, tỉnh Lai Châu đồng hành cùng doanh nghiệp để vào cuộc tháo gỡ

Ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân tồn đọng, chưa tiêu thụ được sản phẩm chè là do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu; giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, thiếu vỏ container để đóng hàng…

“Vàng xanh” tồn kho, khó tiêu thụ do dịch

Tỉnh Lai Châu có hơn 8.460 ha diện tích chè; trong đó, diện tích chè kinh doanh là 5.970 ha. Sản lượng chè búp tươi 8 tháng ước đạt 31.200 tấn. Ước tính hết năm 2021, sản lượng chè đạt 44.000 tấn. Tỉnh có 20 công ty, doanh nghiệp và 54 cơ sở mini chế biến chè búp tươi đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân diện tích là 5.705 ha.

Các sản phẩm chè như: chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi, chè Olong… được xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác, dưới dạng đóng bao lớn sang các thị trường Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc). Trong 8 tháng năm 2021, các cơ sở đã chế biến được 6.933 tấn chè khô các loại; trong đó, số lượng tiêu thụ 4.688 tấn; số lượng còn tồn kho, chưa tiêu thụ hơn 3.000 tấn.

Trong 8 tháng năm 2021, các cơ sở đã chế biến được 6.933 tấn chè khô các loại; trong đó, số lượng tiêu thụ 4.688 tấn; số lượng còn tồn kho, chưa tiêu thụ hơn 3.000 tấn.
Trong 8 tháng năm 2021, các cơ sở đã chế biến được 6.933 tấn chè khô các loại; trong đó, số lượng tiêu thụ 4.688 tấn; số lượng còn tồn kho, chưa tiêu thụ hơn 3.000 tấn.

Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường cho biết: Hiện công ty có 4 nhà máy sản xuất, đang tạo việc làm cho hơn 100 công nhân. Với 2.000 ha chè đã ký kết với với bà con nông dân hiện nay, nếu công ty ngừng thu mua thì sẽ có khoảng 8.000 người nông dân mất việc làm. Vì thế, dù sản phẩm tiêu thụ có chậm, thậm chí đang tồn kho hơn 600 tấn chè khô, nhưng công ty vẫn đang cố gắng khắc phục để thu mua chè búp tươi cho bà con.

“Với quy mô công ty đã đầu tư về hạ tầng, máy móc thiết bị, cũng như là giữa doanh nghiệp và người dân cũng đã có những mối liên kết thì công ty chúng tôi vẫn tìm các giải pháp. Trong năm 2021 vẫn tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền, vận động, rồi lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Thứ hai là công ty cam kết tạm ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân, đến thời điểm này là trên 10 tỷ đồng; cam kết bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân với giá bình ổn bằng giá của năm 2019” - bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, nguyên nhân tồn đọng, chưa tiêu thụ được sản phẩm chè là do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước nên các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đình trệ trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu; giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, thiếu vỏ container để đóng hàng.

Đặc biệt từ đầu tháng 8 năm 2021, tình hình chính chính trị tại Afganistan có sự biến động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu chè, khách hàng yêu cầu giảm giá, hoãn thời gian giao hàng hoặc hủy đơn hàng dẫn đến số lượng chè sau chế biến tồn kho lớn. Thị trường tiêu thụ nội địa của sản phẩm chè Lai Châu còn rất hạn chế do chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã chưa cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các vùng chè truyền thống như: Thái Nguyên, Lâm Đồng…

Tỉnh đồng hành với doanh nghiệp, quyết tâm tháo gỡ

Trước những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, đối thoại với UBND tỉnh Lai Châu đại diện các doanh nghiệp chè đã đề xuất một số giải pháp như: Đề nghị cho phép thành lập Hiệp hội chè của tỉnh Lai Châu nhằm tập hợp các doanh nghiệp, cùng định hướng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, quy hoạch lại diện tích chè (vùng nguyên liệu) để thâm canh theo chứng nhận, tức là căn cứ vào tiêu chuẩn của thị trường các nước, xây dựng chứng nhận gắn với nhu cầu của thị trường; các doanh nghiệp sản xuất chè cần đa dạng hóa sản phẩm; tháo gỡ cho doanh nghiệp lượng hàng tồn kho; có chính sách thâm canh vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, giá trị trên 1ha chè.

Mặt khác, phối hợp với nước bạn Trung Quốc để bàn bạc song phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để xuất khẩu được các mặt hàng sang thị trường Trung Quốc và tạo điều kiện tìm đối tác doanh nghiệp nước bạn; đề xuất quỹ đất đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè trên địa bàn huyện Sìn Hồ; có nguồn tạm ứng vốn, cho vay vốn cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm trong thời gian ngắn hạn; đề nghị các Ngân hàng kéo dài thời hạn cơ cấu, giãn hoãn nợ, hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay mới; quản lý tốt hơn vùng nguyên liệu, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ đối với cây chè; kết nối với các doanh nghiệp chuyên bao tiêu sản phẩm trà cổ thụ; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè cổ thụ…

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng

Trước các đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đề nghị lãnh đạo sớm tổ chức buổi làm việc với một số công ty tại Hà Nội để sớm tiêu thụ các sản phẩm chè còn tồn đọng. Đối với việc tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm, giao Sở Công thương phải rà soát, thống kê cụ thể về số lượng doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn nào, thị trường nào, từ đó làm cơ sở để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và UBND tỉnh sẽ vào cuộc quyết liệt.

“Phải thành lập ngay Hiệp hội chè, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Hiện nay, các doanh nghiệp quá phụ thuộc vào trung gian xuất khẩu, vì vậy khi thành lập được Hiệp hội sẽ xuất khẩu trực tiếp được sản phẩm, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm”, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nói.

Cùng với đó, phải tiến hành thâm canh theo chứng nhận, hướng tới các thị trường khó tính; nhưng cũng không quên đẩy mạnh phát triển tại thị trường nội địa. Hiện các doanh nghiệp còn đang yếu về quản trị doanh nghiệp, vì vậy cần mạnh dạn thuê hoặc mời những người có khả năng về xuất nhập khẩu để nâng cao khả năng quản lý doanh nghiệp.

Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với đó, đề nghị lực lượng công an, Cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Về khó khăn về vốn của các doanh nghiệp chè, Chủ tịch Trần Tiến Dũng giao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính làm việc với Ngân hàng Nhà nước rà soát lại, nghiên cứu phương thức đáo hạn, gia hạn nợ, thanh khoản để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng các kênh khác nhau.

Đồng thời cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu các nghị quyết mới ban hành của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó khai thác hiệu quả các chính sách để phát triển. Về các loại chứng nhận truy suất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ làm chặt chẽ theo hướng cầm tay chỉ việc, xuống trực tiếp công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã để hướng dẫn. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức làm việc với các ngành, địa phương đối đẳng của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc về tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi…

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản khác nói chung, cần chủ động trong việc kinh doanh sản xuất, tìm kiếm thị trường chú trọng đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu chất lượng cao, mục tiêu đưa sản phẩm chè và các nông sản khác vào các thị trường khó tính; chú trọng đến thị trường nội địa và hướng tới thành lập ngày hội văn hóa trà…

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Công Minh

Từ khóa: